Giấy đỏ có phải là quyết định hành chính?
Một thẩm phán nêu tình huống: Trong quá trình TAND quận giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, có đương sự yêu cầu hủy giấy đỏ. Giấy này do UBND TP cấp nhưng phần cập nhật biến động lại do UBND quận cập nhật.
Từ tình huống trên, thẩm phán này đặt câu hỏi: Vậy giấy đỏ đó có phải là quyết định hành chính hay không? Vụ án có phải chuyển lên TAND TP giải quyết theo Luật TTHC 2015 hay không? Vì theo Điều 32 Luật TTHC 2015, chỉ có TAND cấp tỉnh mới có quyền hủy quyết định hành chính của chủ tịch UBND cấp huyện.
Theo ông Tống Anh Hào (Phó Chánh án TAND Tối cao), về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính hay không, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang có hai quan điểm: Một cho rằng đó là văn bản để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, có tính chất phát sinh quyền và nghĩa vụ nên nó là quyết định hành chính. Một lại khẳng định nó không phải là quyết định hành chính vì căn cứ theo Điều 3 Luật Đất đai hiện hành, đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp của người có quyền sử dụng.
Do đang có hai quan điểm khác nhau như vậy nên ông Hào chưa thể trả lời ngay câu hỏi này mà phải chờ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao họp thống nhất quan điểm. Khi có kết luận chính thức thì mới xác định được là giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hay hành chính, thuộc tòa cấp nào. Tất nhiên là vụ án nào đã được tòa thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định trong BLTTDS 2004 thì tòa vẫn sẽ tiếp tục thụ lý, giải quyết như cũ.
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND Tối cao, đang trao đổi tại buổi tập huấn. Ảnh: L.TRINH
Kiện ai là quyền của đương sự
Một thẩm phán khác đặt câu hỏi: Tại thời điểm khởi kiện dân sự, nếu tòa yêu cầu người khởi kiện sửa lại tên của bị đơn nhưng họ không chịu sửa thì tòa có được trả lại đơn hay không?
Ông Tống Anh Hào khẳng định: Kiện ai là quyền của đương sự. Tòa không thể bảo rằng đương sự bắt buộc phải kiện ông A mà không được kiện ông B. Tòa chỉ có thể giải thích rằng nếu kiện đúng thì tòa chấp nhận, nếu sai thì tòa không chấp nhận và khi đó nguyên đơn sẽ phải chịu mọi chi phí tố tụng.
Liên quan đến việc khởi kiện dân sự, thêm một câu hỏi khác được một thẩm phán đặt ra: Tại thời điểm khởi kiện, nếu người khởi kiện không cung cấp được tên, tuổi, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa có quyền trả lại đơn không?
Theo ông Hào, thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nội dung bắt buộc “phải có” của đơn khởi kiện (Điều 189 BLTTDS 2015), nếu tòa đã yêu cầu bổ sung mà người khởi kiện không đáp ứng được thì thuộc trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện (Điều 192 BLTTDS 2015). Lúc này, tòa có thể trả đơn, trừ trường hợp tương tự một án lệ đã có: Vụ án chia thừa kế, gia đình có chín người con, có một người con ở nước ngoài mà tám người con còn lại không biết ở đâu thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết.
Tòa hủy bỏ kê biên khi có bản án có hiệu lực
Một kiểm sát viên thắc mắc: Theo Điều 138 BLTTDS 2015, tòa ra ngay quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Như vậy, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án (THA) phải chờ hết thời gian tự nguyện THA rồi mới làm đơn yêu cầu THA. Tiếp đó, họ phải chờ người có thẩm quyền ra quyết định THA. Khoảng thời gian chờ này đủ để người phải THA tẩu tán tài sản.
Theo ông Tống Anh Hào, tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm mục đích phục vụ cho quá trình tố tụng, được thực hiện song song với quá trình giải quyết vụ án. Khi vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn cần thiết nữa. Mặt khác, theo Điều 24 Nghị định 62/2015 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự hiện hành), kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng tài sản của mình mà không dùng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA. Vì vậy, không cần phải lo ngại về quy định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa.
Nâng chất bản án Theo ông Tống Anh Hào, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã đặt ra yêu cầu là các thẩm phán phải nâng cao chất lượng bản án. Đặc biệt phần “xét thấy” trong bản án phải là phần phân tích sâu sắc, không lặp lại nội dung vụ án, đưa ra lý lẽ vì sao chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của các đương sự. Ông Hào nói thêm, sáu bản án, quyết định mà TAND Tối cao công bố làm án lệ đã phần nào giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn xét xử hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vẫn chưa thật sự hài lòng về văn từ trong sáu bản án, quyết định này. |