|
Trước đó, năm 1994, ông Cầu được UBND huyện Tiên Lãng giao cho hơn 3.000m2 đất nông nghiệp thời hạn 20 năm. Đến năm 1996, ông Cầu nợ 97 cân thóc khoán sản phẩm vì cho rằng xã còn chưa giải quyết vụ để cá ăn lúa nhà ông làm thiệt hại 240 cân thóc từ trước.
Thực hiện theo “luật” riêng do HĐND xã đề ra, cứ không nộp 30 cân thóc thì bị thu một sào ruộng, nên UBND xã Đông Hưng đã thu 3 sào ruộng của gia đình ông Cầu giao cho ông Phạm Minh Tuân, trú cùng xã cấy đấu thầu. Do trước đó đã làm đất, ông Cầu nói ông Tuân phải trả tiền công nhưng chủ ruộng mới không trả.
|
Đến 25.5.1997, khi vụ lúa chiêm đến kỳ thu hoạch, vợ chồng ông Cầu đã nhờ người ra gặt số lúa trên 3 sào ruộng cũ của mình. Ông Tuân phát hiện bị gặt lúa đã trình báo. Chính quyền xã đã đến nhà ông Cầu lập biên bản thu giữ 9 bao thóc trọng lượng 261 cân. Đồng thời, ngày 27.5.1997, công an đã bắt giữ ông Cầu để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản của công dân.
Hơn 1 tháng sau, ngày 30.6.1997, TAND huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm tuyên phạt ông Cầu 3 tháng tù. Ông Cầu kháng án, tháng 8.1997, TAND TP.Hải Phòng xử phúc thẩm tuyên phạt ông mức án đúng bằng thời hạn tạm giam 2 tháng 10 ngày, trả tự do tại tòa.
|
Ông Cầu tiếp tục kêu oan đến TAND tối cao theo trình tự giám đốc thẩm, Phó chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị. Ngày 8.10.1998, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự TAND tối cao đã đưa ra xét xử giám đốc thẩm tuyên ông Cầu không phạm tội trộm cắp tài sản của công dân và đình chỉ vụ án.
Được minh oan, ông Cầu khởi kiện đòi TAND TP.Hải Phòng bồi thường oan sai. Năm 2008, sau 10 năm kể từ khi ông Cầu được minh oan, TAND huyện Tiên Lãng và TAND TP.Hải Phòng mở 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử vụ “Kiện đòi bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra”, giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Cầu và bên bị đơn là TAND TP.Hải Phòng.
Tổng số tiền ông Cầu đòi bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần trực tiếp và gián tiếp gồm 8 khoản, với số tiền trên 648 triệu đồng.
|
Tuy nhiên, cả hai phiên tòa xét xử tuyên, ông Cầu chỉ được TAND TP.Hải Phòng bồi thường số tiền là 17.377.000 đồng. Trong đó, bồi thường tổn thất về tinh thần là 15.659.900 đồng; bồi thường do thu nhập thực tế bị mất là 1.718.000 đồng.
Đồng thời, TAND TP.Hải Phòng phải công khai xin lỗi ông Cầu bằng hình thức: Đăng trên một tờ báo Trung ương 3 số liên tiếp và xin lỗi ông Cầu tại địa phương trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cho rằng mức bồi thường cho mình chưa thỏa đáng, TAND TP.Hải Phòng chưa thực hiện công khai xin lỗi tại địa phương nên ông Cầu tiếp tục khiếu nại và Tòa đã thực hiện theo yêu cầu này.
Tại buổi xin lỗi, ông Phạm Đức Tuyên - Phó chánh án TAND TP Hải Phòng - đã thẳng thắn nhìn nhận bản án mà tòa tuyên phạt ông Cầu là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho bản thân ông, do đó, ông Tuyên thay mặt cho TAND TP.Hải Phòng gửi lời xin lỗi sâu sắc đến ông Cầu.
Theo Hải Sâm - Ngọc Khánh (TNO)