Nên có lệ phí, án phí giám đốc thẩm

Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt. Lịch sử ra đời của thủ tục này cũng xuất phát từ thực tiễn đặc biệt do có nhiều người bị kết án oan, sai trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Sau hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 11-1958, Bộ Tư pháp và TAND Tối cao đã ra Thông tư 02/TT ngày 13-01-1959 và Thông tư 04/TT ngày 3-2-1959 quy định về thủ tục xét lại những bản án hình sự có hiệu lực pháp luật phát hiện có sai lầm.

Trong quá trình hình thành và phát triển thủ tục giám đốc thẩm cho đến nay, không chỉ có vụ án hình sự mà các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, tranh chấp lao động… đều có thủ tục giám đốc thẩm. Đã có thời kỳ, có tới bốn cấp giám đốc thẩm gồm: Ủy ban Thẩm phán tòa án cấp tỉnh; các tòa chuyên trách TAND Tối cao; Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Từ năm 2002, Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao không còn nhưng cũng vẫn còn tới ba cấp giám đốc thẩm. Do có quá nhiều cấp giám đốc thẩm nên thủ tục này không còn là thủ tục đặc biệt nữa!

Trên thế giới, nước nào cũng có thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng mỗi nước quy định khác nhau: có nước quy định là một cấp xét xử, có nước gọi là “phá án” nhưng chẳng có nước nào quy định nhiều cấp giám đốc thẩm như nước ta.

Phải thừa nhận nhờ có thủ tục này mà trong những năm qua đã sửa sai được khá nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Nếu không có thủ tục giám đốc thẩm thì nhiều người bị oan không được minh oan; nhiều vụ tranh chấp dân sự tòa án xét xử trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân không được khắc phục. Tuy nhiên, thủ tục giám đốc thẩm cũng bộc lộ quá nhiều bất cập, không chỉ quá nhiều cấp giám đốc thẩm, mà phạm vi, thẩm quyền giám đốc thẩm cũng quá rộng; cơ chế phát hiện không bị giới hạn, ai cũng có quyền làm đơn yêu cầu; thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm giao cho quá nhiều người; hình thức phiên tòa và những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm quy định không rõ ràng; quyết định giám đốc thẩm không chỉ “phá án” mà còn quyết định cả về nội dung…

Điều đáng lo là lòng tin của người dân vào công lý đang bị giảm sút; đơn đề nghị giám đốc thẩm quá nhiều. Hằng năm, TAND Tối cao phải giải quyết hàng chục ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm vì người dân không còn tin vào phán quyết của tòa án, nhất là tòa án cấp phúc thẩm. Cạnh đó, nhiều người thấy thủ tục giám đốc thẩm quá dễ dàng nên làm đơn “cầu may” vừa kéo dài việc thi hành án theo hướng có lợi cho mình mà không phải nộp lệ phí, án phí, có khi lại được minh oan, được thắng kiện. Không ít trường hợp quyết định giám đốc thẩm lại làm cho vụ án thêm rối hoặc rơi vào bế tắc, làm khó cho tòa án cấp dưới.

Nhiều hội nghị, hội thảo để giảm tải đơn đề nghị giám đốc thẩm nhưng vẫn không tìm được lối thoát. Muốn giảm thiểu việc giải quyết vụ án ở cấp giám đốc thẩm phải giải quyết đồng bộ nhiều biện pháp: Nâng cao chất lượng xét xử để người tham gia tố tụng tin vào công lý, tin vào sự phán quyết của tòa án; tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đề ra; TAND Tối cao mới có thẩm quyền giám đốc thẩm (một cấp giám đốc thẩm).

Chỉ những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng mới có quyền làm đơn đề nghị giám đốc thẩm, đồng thời phải nộp lệ phí giám đốc thẩm; nếu đơn đề nghị không được chấp nhận thì người làm đơn phải nộp án phí giám đốc thẩm.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm