Cuộc tranh luận ở Quốc hội Mỹ về việc xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam (VN) nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đại diện cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Nga và Ấn Độ, hai nền kinh tế lớn trong số 72 quốc gia đã công nhận VN là nền kinh tế thị trường, có chung nhận định: Việc công nhận quy chế kinh tế thị trường ở VN mở ra nhiều cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đại sứ Nga tại VN BEZDETKO GENNADY STEPANOVICH:
Nhiều cơ hội hợp tác từ khi công nhận kinh tế thị trường VN
Củng cố các mối quan hệ với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả VN, luôn luôn là một trong những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của Nga. Năm 2007, Nga đã công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Khi thông qua quyết định này, chúng tôi đã quán triệt, trước hết là tính chất hữu nghị truyền thống trong các mối quan hệ giữa Nga và VN, mà cho đến thời gian đó đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Đương nhiên Nga cũng lưu ý đến vai trò đặc biệt của ASEAN trong các vấn đề khu vực; sự tăng tốc trong phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á; cùng với tiềm năng to lớn trong hợp tác đầu tư, thương mại song phương với VN và ASEAN.
Nga cũng rất quan tâm làm thế nào để cả Nga và VN đều xem khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi hòa hợp, năng động, đảm bảo phát triển bền vững. Chúng tôi xem sự phối hợp hành động với các quốc gia ở khu vực này, trong đó có VN, không phải bằng lăng kính cạnh tranh chiến lược, mà là hợp tác. Điều này đúng như Thủ tướng Chính phủ VN Phạm Minh Chính đã nói: “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Nguyên tắc của Nga là không can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời cũng không áp đặt các quan điểm của Nga lên nước khác, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế. Việc Nga công nhận quy chế thị trường đối với nền kinh tế VN nằm trong mục tiêu mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại với VN, một trong những quốc gia gần gũi nhất với Nga ở châu Á - Thái Bình Dương.
Quyết định nói trên của Nga cũng khởi đầu cho việc hiện thực hóa ký kết Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh Kinh tế Á - Âu (gọi tắt là EAEU, gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) vào năm 2015. Đến nay, sau gần 10 năm, hiệp định này đã chứng minh được tính hiệu quả và sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Những bước đi và thành quả nói trên, cùng với sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thành lập quan hệ đối tác mới trong không gian kinh tế Á - Âu đã góp phần tạo ra sự liên kết chặt chẽ, mạch lạc và thống nhất tại khu vực, thông qua hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Tôi tin tưởng rằng việc hai nước tiếp tục phối hợp, tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như giải quyết những khó khăn, thách thức còn tồn đọng sẽ mang lại lợi ích cho cả Nga và VN.
Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM MADAN MOHAN SETHI:
Công nhận kinh tế thị trường VN, đôi bên cùng có lợi
Năm 2009, Ấn Độ công nhận VN là nền kinh tế thị trường chủ yếu nhằm củng cố quan hệ song phương và ghi nhận những cải cách kinh tế quan trọng của VN kể từ khi Đổi mới năm 1986. Quyết định này được đưa ra bởi tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thành công của VN, bao gồm tự do hóa môi trường kinh doanh và hội nhập vào thị trường toàn cầu. Bằng việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN, Ấn Độ nhắm đến việc thúc đẩy các cơ hội thương mại và đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ chiến lược.
Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất
Theo báo cáo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2029, dự báo GDP của VN theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt trên 2.300 tỉ USD, xếp thứ 20 trên thế giới. Trong nhóm này còn có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Canada, Hàn Quốc, Indonesia…
Quyết định công nhận VN là nền kinh tế thị trường đã mang lại lợi ích cho cả hai nước bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng cơ hội đầu tư và củng cố quan hệ ngoại giao. Đối với Ấn Độ, việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường củng cố quan hệ kinh tế song phương và mở ra những con đường mới cho thương mại và đầu tư. Doanh nghiệp Ấn Độ được hưởng lợi từ việc giảm rào cản thương mại và môi trường pháp lý ổn định ở VN. Ngoài ra, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp liên doanh và hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ, dược phẩm và sản xuất. Về mặt chiến lược, sự công nhận này phù hợp với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, nơi VN đóng vai trò quan trọng. Sự công nhận này giúp nâng cao ảnh hưởng và sự hiện diện của Ấn Độ ở Đông Nam Á, góp phần vào sự ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế.
Mặt khác, sự công nhận này mang lại lợi ích cho VN bằng cách cung cấp đãi ngộ thuận lợi hơn trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong các vụ chống bán phá giá và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, dẫn đến tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quyết định nói trên cũng tạo điều kiện hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, cho phép VN tham gia đầy đủ hơn vào các hiệp định và tổ chức thương mại quốc tế.
Nhiều nước công nhận kinh tế thị trường Việt Nam từ hơn 15 năm trước
Năm 2004, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Trong hai thập niên qua, quan hệ thương mại song phương Việt - Trung không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ và có nhiều đột phá. Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của VN với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 171,84 tỉ USD.
Sau Trung Quốc, nhiều nước lần lượt công nhận VN là nền kinh tế thị trường, đặc biệt từ năm 2007, khi VN chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chỉ trong năm này, có 12 nước (trong đó có Nga và hầu hết là thành viên ASEAN) công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN. Trong giai đoạn 2008-2011, cứ mỗi năm lại có thêm bốn quốc gia công nhận VN là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand…
Từ năm 2012 đến nay, có những năm có trên dưới 10 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN, nổi bật là Vương quốc Anh, nhiều nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU), Canada… Về tổng thể, việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường mang lại cơ hội và thành quả về hợp tác kinh tế, thương mại song phương, được chứng minh cụ thể bằng các thông số tăng trưởng kinh tế qua từng năm.
..................................
Nhiều doanh nghiệp FDI rất thành công
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thục (nhà báo Thục Minh), Chủ tịch tổ chức Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam (VN) - Thụy Sĩ (SVBG) có trụ sở tại Thụy Sĩ, nhận định: Thụy Sĩ đã thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh doanh tại VN từ sớm, gặt hái nhiều thành công, từ đó công nhận VN là nền kinh tế thị trường từ rất sớm.
Công nhận VN là nền kinh tế thị trường từ sớm
. Phóng viên: Năm 2012, Thụy Sĩ đã công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Những tiêu chí mà Thụy Sĩ đề ra khi xem xét các quốc gia là “nền kinh tế thị trường” như thế nào?
+ Nhà báo Thục Minh: Tháng 7-2012, Thụy Sĩ cùng ba thành viên khác của Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy là những quốc gia Tây Âu đầu tiên chính thức công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Thụy Sĩ là nền kinh tế lớn nhất trong khối EFTA. Vì vậy, trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể hiểu việc EFTA công nhận nền kinh tế thị trường của VN có vai trò lớn của Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ là quốc gia trung lập và điều đó được tuyên bố rộng rãi trên thế giới. Tư cách trung lập đó đã cho phép Thụy Sĩ hành động một cách tự chủ và khác biệt trên nhiều phương diện, đặc biệt là đối ngoại. Ngay trong giai đoạn trước năm 1975, khi VN thống nhất đất nước, nguyên tắc “tư thế trung lập” cũng được thể hiện rõ trong quan hệ giữa Thụy Sĩ với VN thời bấy giờ.
Các doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng là những người tiên phong đầu tư vào VN ngay khi chúng ta Đổi mới. Dữ liệu của Bộ KH&ĐT VN cho thấy đầu thập niên 1990, một loạt tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đã đến VN xin giấy phép đầu tư. Điển hình như Tập đoàn Triumph nhận giấy phép đầu tư vào ngày 1-10-1992; Tập đoàn báo chí và xuất bản Ringier được cấp phép cùng đối tác trong nước ra tờ Thời báo Kinh tế VN vào tháng 11-1992; Tập đoàn sản xuất hóa chất và vật liệu xây dựng Sika nhận giấy phép đầu tư vào tháng 12-1993; Tập đoàn chế tạo thiết bị chính xác ABB vào VN tháng 1-1994; Công ty Xi măng Hà Tiên của Holder Bank Financier Glaris thành lập vào tháng 2-1994; Tập đoàn sản xuất thực phẩm Nestlé vào VN tháng 1-1995… Đến nay có khoảng 140 công ty Thụy Sĩ đầu tư tại VN.
Sản phẩm các tập đoàn sản xuất lớn của Thụy Sĩ đều có mặt ở VN, trong đó nhiều tập đoàn có nhà máy sản xuất tại nước ta. Hoạt động kinh doanh của họ nhìn chung rất thành công. Nestlé là tập đoàn đầu tư nhiều nhất với vốn cộng dồn đến nay là 830 triệu USD. Tập đoàn ABB cũng từng chia sẻ với tôi rằng nhà máy của họ ở Bắc Ninh sản xuất những sản phẩm chất lượng rất tốt, xuất khẩu đến nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nhờ nguồn cung ứng nguyên vật liệu và nhân lực chất lượng cao tại chỗ…
Nói tóm lại, doanh nghiệp Thụy Sĩ đã tiên phong đến VN vào thời điểm môi trường kinh doanh, đầu tư của chúng ta còn rất nhiều hạn chế nhưng họ đã thành công. Vậy nên việc họ công nhận VN là nền kinh tế thị trường từ rất sớm, theo tôi, cũng là điều dễ hiểu.
Cần hoàn thiện hơn một số vấn đề
. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài nhận xét như thế nào về thị trường VN, đặc biệt là tính cởi mở, tự do, điều kiện trong đầu tư, kinh doanh, thưa bà?
+ Tất cả nhà 0đầu tư hay doanh nghiệp thương mại trên thế giới nói chung và Thụy Sĩ hay châu Âu nói riêng đều nhìn thấy ở VN một thị trường đầy hấp dẫn với dân số khá lớn, mức chi tiêu ngày càng cao, bên cạnh các yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất như lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công cạnh tranh, vị trí địa lý tốt cho việc lưu thông hàng hóa, gần nguồn cung ứng nguyên vật liệu và cũng gần các thị trường lớn khác.
VN đồng thời cũng là thị trường cởi mở, không có những rào cản văn hóa, tôn giáo hay địa chính trị phức tạp; Chính phủ và các địa phương đều có chủ trương trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư. Mặc dù vậy, vài vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải được khắc phục sớm dù chúng ta đã nhắc nhiều lần.
. Bà có thể đề cập đến vài hạn chế mà VN cần sớm khắc phục?
+ Tôi lấy ví dụ từ góc nhìn khi làm việc kết nối giữa Thụy Sĩ và VN. Tôi có chút tiếc nuối ở chỗ: Thụy Sĩ là một trung tâm tài chính nổi tiếng của thế giới với các hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư tài chính vô cùng sôi động. Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Thụy Sĩ ra nước ngoài trong những năm trước dịch COVID-19 đạt gần 1.500 tỉ CHF (khoảng hơn 1.650 tỉ USD), trong đó khoảng 40% là đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, gần như không nhìn thấy sự hiện diện của ngân hàng hay công ty bảo hiểm của Thụy Sĩ tại VN. Chỉ có vài quỹ đầu tư tương đối nhỏ. Tổng vốn FDI từ Thụy Sĩ vào VN trong những năm qua chỉ loanh quanh con số 2 tỉ USD, trong đó phần chủ yếu là sản xuất (trên 90%), còn lại là thương mại và dịch vụ, trong khi không có đầu tư tài chính, hoặc nếu có thì đi gián tiếp qua con đường Singapore và Hong Kong mà chúng ta không có thống kê.
Hiện nay, theo tôi đánh giá, chúng ta không mong đợi nhiều đầu tư từ Thụy Sĩ trong mảng sản xuất, chế tạo nữa vì các tập đoàn sản xuất lớn của Thụy Sĩ đều đã có nhà máy ở VN hoặc ở các nước lân cận nước ta. Riêng hai mảng tài chính và y dược, tôi cho rằng còn nhiều tiềm năng. Tôi tin Chính phủ và các bộ, ngành phụ trách mảng kinh tế và đầu tư của chúng ta biết cần phải làm gì. Vấn đề là chúng ta có dám và quyết tâm làm hay không mà thôi.
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ, ông Martin Candinan và ông Eric Nussbaumer (thứ hai và ba từ phải sang), thăm Nhà máy VinFast, nơi sử dụng nhiều thiết bị do các tập đoàn Thụy Sĩ như Bühler, ABB… chế tạo hồi tháng 6-2023. Ảnh: HẠ VIỆN THỤY SĨ
. Xin cảm ơn bà.
ĐỖ THIỆN - ĐỨC HIỀN - THẢO VY