LTS: Đầu tháng 5-2024, Bộ Thương mại Mỹ có phiên tranh luận về việc xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phiên điều trần này là một phần trong quá trình đánh giá ra quyết định cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 7-2024.
Loạt bài “Xóa bỏ hiểu lầm về kinh tế Việt Nam” sẽ chỉ ra những tiến bộ và phát triển mạnh mẽ về mặt tư duy lẫn chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển lành mạnh, cởi mở và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn gần 40 năm kể từ khi Đổi mới toàn diện nền kinh tế. Bên cạnh đó, các bài viết cũng phản biện những quan điểm thiếu tính cập nhật và khách quan đối với tình hình vận hành kinh tế Việt Nam hiện nay.
“Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất vào giữa những năm 1980, Việt Nam (VN) đã phát triển nhanh chóng, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Công cuộc Đổi mới năm 1986 đã khởi đầu một quá trình chuyển đổi kinh tế trên diện rộng, xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa, mở cửa nền kinh tế, bước ra thị trường và thương mại quốc tế, đồng thời khởi xướng các cải cách theo hướng ủng hộ các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Sau những chính sách này, VN đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa đất nước trở thành nền kinh tế thị trường mới nổi chỉ trong vòng 25 năm”.
Đó là nhận xét của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một báo cáo được công bố từ hơn bốn năm trước. Tương tự IMF, các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của VN do những tổ chức quốc tế khác, như Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ghi nhận: Chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp VN đạt nhiều thành tựu. Hiện tại, VN là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế
Thực tế quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại VN không chỉ là quá trình thay đổi mô hình, cấu trúc nền kinh tế mà quan trọng nhất là quá trình đổi mới tư duy phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, cũng như các quy luật phát triển khách quan trong chủ trương của Đảng Cộng sản VN và việc cải cách, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước VN.
“Hiện nay, Việt Nam là một thỏi nam châm lớn thu hút đầu tư nước ngoài... Các công ty của Mỹ như Apple và Intel đã thành lập nhà máy, trung tâm nghiên cứu lớn ở Việt Nam”
Báo cáo của IMF, WB và giới quan sát gần như thống nhất với nhau một nhận định: Câu chuyện thành công của VN ngày hôm nay bắt đầu với công cuộc Đổi mới năm 1986. Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, chủ trương lớn được đánh giá “có tính đột phá” của Đảng và Nhà nước đó là thay đổi một cách toàn diện về cơ cấu kinh tế, trong đó bắt buộc phải xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, thay vào đó là phát triển kinh tế nhiều thành phần, thúc đẩy lưu thông hàng hóa tự do, tăng cường mở rộng hợp tác và đầu tư quốc tế.
Trải qua từng kỳ Đại hội Đảng, tư duy vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa liên tục được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Đáng chú ý, Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 đã chính thức đề ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với những đặc trưng cấp tiến về cơ cấu kinh tế, sở hữu, phân phối, cơ chế vận hành…
Đến nay, nhìn chung kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng đã và đang được tái cấu trúc theo hướng cổ phần hóa, thay đổi phương pháp quản lý, vận hành tiến bộ hơn. Kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế (khuyến khích phát triển), được tạo điều kiện tốt nhất ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển nhiều mặt. Song song đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, có vai trò lớn trong huy động vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu… Ví dụ, năm 2023, vốn FDI đăng ký vào VN đạt 36,6 tỉ USD, là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
72 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Trung Quốc, Venezuela, Nga, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Myanmar, Philippines, Ukraine, Angola, Úc, Chile, New Zealand, Argentina, Nicaragua, Hàn Quốc, Ấn Độ, Belarus, Nam Phi, Panama, Mozambique, Pakistan, Sri Lanka, Nhật Bản, Kazakhstan, Armenia, Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein, Iceland, Bangladesh, Mông Cổ, Haiti, Serbia, Seychelles, Namibia, Congo, Ai Cập, Uruguay, Morocco, Oman, Ethiopia, Sudan, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Vanuatu, Afghanistan, Fiji, Tajikistan, Benin, Nepal, UAE, Algeria, Saint Kitts and Nevis, Burkina Faso, Mexico, Canada, Kuwait, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Quatar, Paraguay, Iran, Iraq, Moldova, Suriname, Kyrgyzstan, Vương quốc Anh.
(Nguồn: VCCI)
Về cơ cấu tổng thể, có thể thấy kinh tế tư nhân và đầu tư từ nước ngoài rất được khuyến khích, điển hình như trong năm 2021, hai khu vực này chiếm đến trên 70% GDP của VN, trong khi đóng góp của doanh nghiệp (DN) nhà nước ở mức khoảng trên 20%. Như vậy, dù là các DN nhà nước hay các DN tư nhân, DN nước ngoài đều được tạo điều kiện, không gian, môi trường, cơ chế để có thể phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế ở VN.
Báo cáo của IMF cho thấy với trọng tâm ban đầu của Đổi mới năm 1986 là lĩnh vực nông nghiệp, như tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận tốt tư liệu sản xuất như đất đai, nguồn lao động, mở đường cho thương mại tự do trong nước và quốc tế thì trải qua hơn ba thập niên, VN tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động thương mại quốc tế phát triển, các hiệp định thương mại tự do (FTA) vốn đòi hỏi nhiều chuẩn mực chính sách, cơ chế, luật pháp gắt gao về thị trường, nguồn lao động, quyền con người, môi trường đầu tư, giá cả hàng hóa… Điểm chung của các FTA là yêu cầu VN phải công bằng, minh bạch, bình đẳng với tất cả thành phần kinh tế trong đầu tư, kinh doanh.
Nói Việt Nam “phi thị trường” thật khó hiểu!
“Mỹ đang khiến chúng ta khó hiểu khi xếp VN vào nhóm nền kinh tế phi thị trường cùng 11 quốc gia khác, trong khi đang là đối tác chiến lược toàn diện của VN. Thậm chí cách nhìn nhận này của Mỹ vẫn được duy trì trong bối cảnh VN hiện là một trong những đối tác tin cậy nhất của Washington ở khu vực Đông Nam Á” - ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, đặt vấn đề trong bài xã luận với nhan đề “Đã đến lúc Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của VN” hồi cuối tháng 4-2024.
Chủ trương về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện tốt chính sách xã hội. Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế.
Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường.
(Trích văn kiện “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”
của Đại hội Đảng lần thứ XI)
Ông Murray Hiebert phân tích: Từ cuối những năm 1980, Đảng Cộng sản VN đã tiến hành cải cách kinh tế, mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài, cắt giảm mạnh trợ cấp đối với các DN nhà nước và xóa bỏ mô hình hợp tác xã bao cấp, đồng thời từ bỏ việc kiểm soát giá cả.
“Hiện nay, VN là một thỏi nam châm lớn thu hút đầu tư nước ngoài... Các công ty của Mỹ như Apple và Intel đã thành lập nhà máy, trung tâm nghiên cứu lớn ở VN. VN cũng nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Khi ông Biden đến Hà Nội, ông đã cam kết rằng Mỹ sẽ tăng cường sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở VN” - ông Murray Hiebert nhận xét, đồng thời nhắc lại việc VN tham gia tích cực vào Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Úc, Anh và Canada đã công nhận VN là nền kinh tế thị trường.
“Việc Mỹ duy trì xem VN là nền kinh tế “phi thị trường” có thể tác động không tốt lên mối quan hệ Việt - Mỹ, vốn đang phát triển mạnh mẽ… Thế nên Bộ Thương mại Mỹ đưa VN khỏi danh sách các nền kinh tế “phi thị trường” sẽ là bước đi hợp lý cho quan hệ song phương” - ông Murray Hiebert nhận định.
Vị chuyên gia của CSIS cũng chỉ ra với tình hình hiện nay, có thể khẳng định VN hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí về quy chế kinh tế thị trường, ví dụ năng lực chuyển đổi tiền tệ; người lao động và DN tự do thương lượng về mức lương; liên doanh và đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện rất tốt; DN được quyền tiếp cận các phương tiện sản xuất như đất đai, lực lượng lao động; đồng thời các nguồn lực, giá cả, sản lượng hàng hóa đều được quản lý công bằng, cởi mở đối với tất cả DN.•
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII:
Việt Nam tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế thị trường
Đại hội lần thứ XIII cho thấy Việt Nam (VN) tiếp tục hướng tới mục tiêu hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường và nâng cao chất lượng thể chế.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”.
Song song đó, VN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của VN được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
(Lược trích trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản VN)
.................................
Tuyên bố chung VN - Mỹ tháng 9-2023:
Mỹ cam kết ủng hộ, tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN
Mỹ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của VN, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ VN trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN theo luật Mỹ.
Ngày 8-9-2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của VN đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Mỹ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của VN theo luật định.
(Trích Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ VN - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023)
...................................
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN PHẠM THU HẰNG:
VN đáp ứng tốt các tiêu chí về kinh tế thị trường
VN hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần vào ngày 8-5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN. Tại phiên điều trần, phía VN cũng đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế VN hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường. Phía VN cũng nhấn mạnh nền kinh tế VN còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Đến nay đã có 72 nước công nhận VN là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Úc, Nhật Bản... VN cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục. Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện VN - Mỹ, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
(Trích nội dung phát ngôn trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào ngày 9-5-2024)
.................................
Cựu Đại sứ Mỹ tại VN TED OSIUS, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC):
Công nhận VN là kinh tế thị trường, Mỹ cũng hưởng lợi ích
Doanh nghiệp Mỹ đã phát triển nhanh chóng và đáng kể ở VN. Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang VN đạt 11,4 tỉ USD và ngành dịch vụ là 2,4 tỉ USD vào năm 2022, tăng lần lượt 146% và 48% so với năm 2012. VN đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Mỹ trên thế giới.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ ở VN có thể sẽ cải thiện trong vài năm tới nhờ việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. VN là nước tham gia tích cực các cuộc đàm phán trong Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Với những lý do này, chúng tôi không cho rằng việc công nhận VN là nền kinh tế thị trường sẽ gây bất lợi cho kinh tế hoặc an ninh của Mỹ. Vì lẽ đó, chúng tôi đặc biệt đề nghị Bộ Thương mại Mỹ đưa ra quyết định khẳng định rằng nền kinh tế VN đáp ứng tất cả tiêu chí pháp lý của nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn cảnh báo về tác động địa chính trị nếu không công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Vào thời điểm Mỹ đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế bền vững và có tính cạnh tranh với các đối tác thương mại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, Mỹ phải tận dụng cơ hội để tiếp tục xây dựng quan hệ kinh tế song phương với VN.
Nhiều đối thủ cạnh tranh thương mại của Mỹ ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang tận dụng các hiệp định thương mại có tính ưu đãi mà họ ký kết với VN để thúc đẩy các cơ hội dành cho nền kinh tế của đất nước họ. Nếu Mỹ không thể nỗ lực thúc đẩy các hoạt động thương mại như thế và còn tiếp tục xem VN là nền kinh tế “phi thị trường” thì chúng ta đứng trước nguy cơ gây tổn hại đến tương lai của một trong những mối quan hệ thương mại song phương thành công nhất của Mỹ trên thế giới.
(Trích thư của ông Ted Osius gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ
Gina Raimondo vào đầu tháng 2-2024)