Ngày 8-5, Bộ Thương Mại Mỹ mở phiên thảo luận về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã lắng nghe các bên trình bày quan điểm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
Luật sư Eric Emerson – đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam – cho rằng Việt Nam nên được công nhận là nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí được Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá các quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường. Các tiêu chí này bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ, phân bổ nguồn lực, khả năng các công ty nước ngoài đầu tư, việc xác định tiền lương, nguyên liệu sản xuất và một số yếu tố khác.
“Việt Nam đã chứng minh rằng hiệu quả hoạt động của họ đối với các yếu tố luật định này là tốt hoặc thường tốt hơn so với các quốc gia khác trước đây đã được công nhận là nền kinh tế thị trường” – ông Emerson nói.
Samsung Electronics là một trong những nhà sản xuất ủng hộ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ông Scott Thompson – người đứng đầu bộ phận chính sách công của Samsung Electronics tại Mỹ – cho biết Việt Nam đã có những thay đổi theo định hướng kinh tế thị trường.
“Việt Nam đã nổi lên như một đối tác ổn định, an toàn trong chuỗi cung ứng của Mỹ và lợi ích cuối cùng của nền kinh tế Mỹ” – ông Thompson nói.
Trước đó, ông Ted Osius – cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là người đứng đầu Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – ASEAN – cho biết ông ủng hộ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
“Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Nước này đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ” – ông Osius nói.
Phần bên phản đối cho rằng công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ngoài ra, phía phản đối lo ngại việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể tạo làn sóng hàng nhập khẩu được giao dịch không công bằng từ Việt Nam vào Mỹ.