Xóa bỏ hiểu lầm về kinh tế Việt Nam - Bài 2: 5 quan điểm lỗi thời

Xóa bỏ hiểu lầm về kinh tế Việt Nam - Bài 2: 5 quan điểm lỗi thời

(PLO)- Một số hiệp hội, doanh nghiệp, chính khách ở Mỹ vẫn hiểu chưa đúng về nền kinh tế Việt Nam, trong đó có nhiều quan điểm đã lỗi thời, thiếu khách quan.

Ở Mỹ, vẫn còn một số nhóm chính khách, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cho rằng nền kinh tế Việt Nam (VN) vẫn “phi thị trường”. Một trong số ấy có thể kể đến Hiệp hội Các nhà sản xuất mật ong Mỹ (AHPA). Hiệp hội này và một số đơn vị khác đã đưa ra nhiều nhận định không khách quan khi lý giải hiện trạng nền kinh tế VN so với bộ tiêu chí gồm sáu điều trong hệ thống luật pháp Mỹ.

“Những nhận định của AHPA về cơ bản đã lỗi thời và không còn phản ánh chính xác tình hình phát triển kinh tế VN hiện nay” - ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại VN, hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), nhận định trong bức thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo vào đầu tháng 2 năm nay.

Hiểu lầm 1: Thao túng hệ thống tiền tệ, thị trường vốn

Không khó để chứng minh quan điểm này đã “lỗi thời”. Theo tuyên bố chung VN - Mỹ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023, “Mỹ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của VN trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỉ giá của VN, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng”.

Dù trong báo cáo được công bố vào tháng 11-2023, Bộ Thương mại nước này đưa VN trở lại danh sách giám sát thao túng tiền tệ nhưng đến nay chưa đủ bằng chứng để khẳng định VN thao túng tỉ giá theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988.

Ảnh 1_Người lao động tại Việt Nam.jpg
Người lao động tại Việt Nam và doanh nghiệp được tự do thương lượng về thu nhập theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Hà Nội. Ảnh: REUTERS

Nhìn chung, hệ thống tiền tệ của VN đã được tự do hóa. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN áp dụng chính sách tỉ giá thả nổi có quản lý, dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia có quan hệ thương mại, tài chính và đầu tư với VN. Kể từ tháng 8-2015, NHNN đã mở rộng biên độ chênh lệch tỉ giá giữa VND so với USD từ 1% lên 3%. Sau quá trình tự do hóa tỉ giá, kể từ tháng 1-2016, tỉ giá VND/USD được điều chỉnh hằng ngày. Thứ hai, các quy định về tiền tệ của VN cho phép VND được tự do hóa trong các giao dịch vãng lai” - ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch cấp cao của USABC, nhận định trong bức thư gửi đến Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 12-2023. Vị này nói thêm trong hơn 10 năm qua, không có công ty nào trong số hơn 130 công ty thành viên của USABC làm việc với VN báo cáo vấn đề về khả năng chuyển đổi tiền tệ.

Thực tế con số 3% mà ông Marc Mealy nêu ra trên đây được quy định trong Quyết định 1636/QĐ-NHNN cách đây gần 10 năm. Hiện tại biên độ chênh lệch tỉ giá giữa VND so với USD đã tiếp tục được VN mở rộng lên mức 5% theo Quyết định 1747/QĐ-NHNN của thống đốc NHNN vào tháng 10-2022. Cũng cần nhấn mạnh nhận xét của ông Marc Mealy về chính sách tỉ giá VN nói trên đã phản ánh đúng tinh thần và quy định của Nghị định 70/2014/NĐ-CP đã được Chính phủ VN ban hành từ 10 năm trước, nhấn mạnh tỉ giá hối đoái của VND được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trước đó, từ năm 2007, Chính phủ VN đã ban hành Quyết định 98/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng VN. Theo đó, NHNN có nhiều giải pháp đổi mới chính sách quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa nhiều hơn, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối…

4.jpg
Người dân TP.HCM mua sắm hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Pháp luật VN đảm bảo quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong việc chuyển đổi tiền tệ và chuyển thu nhập cũng như vốn đầu tư về nước, đồng thời VN không áp đặt bất kỳ rào cản về mặt pháp lý nào đối với các giao dịch này” - ông Marc Mealy khẳng định trong thư gửi Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời cho biết đó là lý do VN đang thu hút được nguồn đầu tư lớn từ Mỹ và các nước khác.

Hiểu lầm 2: Quyền lợi của người lao động không được đảm bảo

Tại Quốc hội Mỹ, 20 hạ nghị sĩ cùng một số thượng nghị sĩ cho rằng VN còn những thiếu sót trong luật lao động; trong khi AHPA cho rằng mức lương ở VN không được xác định dựa trên sự tự do thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động.

“Những trải nghiệm trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở VN cho thấy điều ngược lại với nhận định trên” - cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius minh định trong thư gửi bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ. Lãnh đạo USABC khẳng định Bộ luật Lao động VN có xu hướng bảo vệ người lao động, đặc biệt là người lao động có mức lương thấp. Mức lương được xác định dựa trên thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Còn mức lương tối thiểu dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, bao gồm đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN cùng đại diện các hiệp hội thương mại và các chuyên gia độc lập. Hàng trăm thành viên của USABC không có bất kỳ phàn nàn nào về vấn đề thỏa thuận tiền lương.

Ảnh tem họ đã nói_ông Marc Mealy.jpg
Ông Marc Mealy.

Khả năng chuyển đổi tiền tệ từ lâu không còn là vấn đề ở Việt Nam

Vào cuối những năm 2000, một số công ty Mỹ gặp khó khăn khi chuyển tiền ra khỏi VN, lý do không phải vì pháp luật VN mà vì VN không có đủ USD trong hệ thống tiền tệ. Do đó, khi ký kết hợp đồng với các đối tác VN, các công ty thành viên của chúng tôi luôn yêu cầu điều khoản về sự đảm bảo của Chính phủ trong khả năng chuyển đổi tiền tệ. Trước đây, NHNN VN không phải lúc nào cũng có đủ USD để cam kết nhưng bây giờ không còn là vấn đề.

Trong hơn 10 năm qua, không có công ty nào trong số hơn 130 công ty thành viên của chúng tôi làm việc với VN báo cáo vấn đề về khả năng chuyển đổi tiền tệ.

Ông MARC MEALY, Phó Chủ tịch cấp cao của USABC

Việc VN trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028 là minh chứng rất rõ về nỗ lực bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong đó có quyền lợi của người lao động VN. Đến nay, VN đã tham gia 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), điển hình như năm 2007 gia nhập Công ước 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc năm 1930; năm 2019 gia nhập Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể; năm 2020 gia nhập Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức... Song song đó, hệ thống luật pháp của VN cũng được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của người lao động lẫn người sử dụng lao động, được quy định cụ thể trong hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người…

Hiểu lầm 3: DN nhà nước lấn át phần còn lại

Phản biện vấn đề trên, nhiều chính khách, chuyên gia Mỹ và các nước chỉ rõ: Kể từ năm 1986 đến nay, VN luôn thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều thành phần. Việc này được triển khai nhất quán, xuyên suốt đến nay và có nhiều thành tựu.

Theo Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng, VN tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển ở tất cả ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích DN tư nhân hợp tác, liên kết với DN nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ, phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được VN xác định là một bộ phận quan trọng, có vai trò lớn trong việc huy động vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về thực tiễn, cựu Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius dẫn chứng rõ: Việc thông qua Luật Đầu tư 2014 đã mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở VN. Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã điều chỉnh số ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm từ 386 xuống 272. “Các thành viên của USABC nhìn chung không gặp khó khăn gì khi đầu tư vào VN, ngay cả trong những ngành đầu tư có điều kiện” - ông Ted Osius nhận xét, đồng thời cũng bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm VN đang hạn chế liên doanh và đầu tư nước ngoài.

Ông Ted Osius cũng đưa ra các chỉ số đóng góp cho ngân sách, các chủ trương và hoạt động cổ phần hóa DN nhà nước, rút DN nhà nước ra khỏi các lĩnh vực mà DN tư nhân làm tốt hơn… để cho thấy quan điểm “DN nhà nước đang thống trị nền kinh tế VN” là lỗi thời, không còn phù hợp. Ông Ted Osius cũng đánh giá cao Quyết định 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025, kỳ vọng quyết định này sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Hiểu lầm 4: Sở hữu nhà nước lấn át tư nhân

Thực tế từ khi bước vào giai đoạn Đổi mới 1986, VN đã thừa nhận nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, bao gồm cả công hữu và tư hữu. Nguyên tắc này được luật pháp hóa và thực tiễn hóa.

Ví dụ, theo nhận xét của lãnh đạo USABC, các DN, các nhà đầu tư từ Mỹ không gặp khó khăn gì về trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai. “Trên thị trường thứ cấp (về đất đai), các bên được tự do đàm phán về giá chuyển nhượng, cho thuê... và chính phủ không can thiệp vào các giao dịch đó. Đối với đất nông nghiệp, VN cũng đã thực hiện chính sách nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp” - lãnh đạo USABC nhận xét.

Số liệu thực tế cũng cho thấy nhận định của USABC là chuẩn xác. Theo Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trên cả nước đã đạt khoảng 97% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Nếu tính đến năm 2023, có những địa phương đã đạt tỉ lệ gần 100%.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra những điểm sáng quan trọng về pháp lý trong nỗ lực của VN mang đến sự công bằng cho các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân và kinh tế đầu tư nước ngoài. Điển hình như sự ra đời của Nghị định 70/2023/NĐ-CP năm 2023 giúp giải quyết hết những khó khăn cho DN trong việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Hay như Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cùng với Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân VN trong thời kỳ mới cũng “mở đường” cho DN tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài gia nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế VN.

Hiểu lầm 5: Chính phủ tăng cường kiểm soát giá cả

Trái với quan điểm trên, USABC khẳng định Chính phủ VN không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN, bao gồm các quyết định phân bổ nguồn lực, giá cả và sản lượng… Điển hình, theo Luật Giá 2023, chín mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng, sữa công thức cho trẻ em, gạo, thức ăn gia súc và vaccine, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thiết yếu cho con người) nằm trong danh mục bình ổn giá. Điện, muối, đường từng nằm trong danh mục này theo Luật Giá 2012 nhưng nay đã bị loại trừ.

“Luật Giá 2023 quy định cơ quan chức năng có thể sử dụng các biện pháp bình ổn giá trong thời gian nhất định khi giá tăng đột biến do tình huống khẩn cấp, thiên tai hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Sự can thiệp phải được giới hạn trong một thời gian nhất định. Vì vậy, trên thực tế sự can thiệp của Chính phủ là rất ít” - lãnh đạo USABC nhận định.

Mặt khác, Luật Giá 2023 cũng nghiêm cấm nhiều hành vi “can thiệp vào giá” không phù hợp, không đúng, ví dụ “can thiệp vào mức giá mà các bên đã thương lượng”, qua đó hạn chế tối đa từ thiếu khách quan, tiêu cực trong xác định giá.

Đọc thêm