Bộ Công Thương cho hay Cục Công nghiệp thuộc và Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam vừa làm việc với các doanh nghiệp dệt may, da giày để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Corona gây ra.
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may, da giày đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Tuy nhiên, hưởng ứng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các doanh nghiệp vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để duy trì sản lượng, năng suất, góp phần chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây, cho hay công ty chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó 60% xuất sang thị trường Anh.
Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây có khoảng 600 lao động, chủ yếu là lao động địa phương. "Việc sử dụng lao động địa phương, không có chuyên gia và người lao động người Trung Quốc giúp chúng tôi không bị ảnh hưởng vì thiếu hụt lao động do dịch viêm phổi cấp, thế nhưng công ty lại bị ảnh hưởng vì vật tư, nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc" - ông Tùng chia sẻ.
Giám đốc Công ty giải thích sản phẩm của công ty có tỉ lệ nội địa hóa cao (đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước). Tuy vậy, một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết nguyên liệu của công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3. Việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể tiếp tục trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2. Tuy nhiên, trước mắt công ty đã có thêm một số đơn hàng, trong đó có đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc, sử dụng 100% nguyên liệu trong nước. Do đó, khó khăn trong giai đoạn ngắn sắp tới sẽ được giảm nhẹ.
Giám đốc Công ty Eurolink Nguyễn Hữu Thành thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của quý I-2020 đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Các kế hoạch của nhà máy tham gia các chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020-2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng. Do đó, công ty sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may khác hưởng ứng lời kêu gọi tăng cường sản xuất khẩu trang từ Bộ Công Thương, bên cạnh việc sản xuất theo các đơn hàng sẵn có, Eurolink cũng đã sản xuất 5.000 khẩu trang phục vụ nhu cầu nội bộ cho người lao động và dùng để tặng miễn phí.
Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây thông tin tuần trước, công ty cũng đã lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế, đồng thời chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế.
Phía Eurolink cũng chia sẻ đang tìm hiểu về vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường như Ấn Độ, châu Âu. Công ty cũng đang tìm các khách hàng mới để duy trì sản xuất, không để sụt giảm thị trường đang phục vụ.
Không khí làm việc tại Công ty TNHH Eurolink. Ảnh: BCT
Chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đại diện Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp khẳng định Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất, tăng trưởng.
Về những khó khăn khi xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, Bộ Công Thương đã có trao đổi với Bộ Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, ngăn dịch, nhưng vẫn đảm bảo biện pháp đưa ra không gây khó khăn cho hoạt động giao thương.
Đại diện Cục Công nghiệp nhấn mạnh Bộ Công Thương hiện đã triển khai rất nhiều phương án để hỗ trợ doanh nghiệp, mặt khác cũng khuyến khích doanh nghiệp tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn hàng từ các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.