‘Xôi đậu phộng, đậu xanh, đậu đen đê…’

(PLO)- Đã có lúc người Sài Gòn trở nên thèm thuồng, khao khát những tiếng rao như khát khao sự hồi sinh mạnh mẽ…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhắc đến âm thanh Sài Gòn người ta thường nghĩ về sự ồn ào, tấp nập của phố thị, tiếng còi xe chen lẫn tiếng nhạc sôi động từ những hàng quán san sát trên các con đường đông đúc. Ấy vậy mà trong ký ức của tôi, một kẻ nhập cư bám víu mảnh đất tình người này gần 20 năm, thanh âm đặc trưng nhất của Sài Gòn lại là những tiếng rao.

Nhớ cái ngày tôi chân ướt chân ráo xuống ga Sài Gòn, TP đèn hoa đón tôi bằng loạt âm thanh đặc trưng của một TP lớn. Tiếng còi xe qua lại, tiếng người ta í ới gọi nhau, tiếng rao hàng với những thanh âm của rất nhiều vùng, miền. “Bánh mì nóng giòn…”, “Cháo sườn đây…”, “Xôi đậu phộng, đậu xanh, đậu đen đê…” . Tất cả tạo cho tôi cảm giác lạ lẫm nhưng đầy cuốn hút của một mảnh đất đầy sức sống.

Tôi sống tại căn phòng trọ nhỏ xíu trong một con hẻm ở gần kênh Nhiêu Lộc. Khoảng 6-7 giờ sáng là thời điểm các cô, các chị bán hàng bắt đầu đi ngang qua nhà tôi (tôi thường gọi đùa là “siêu thị di động”). Các chị máng quanh chiếc xe đạp đơn sơ của mình nào thịt, cá, rau củ quả các loại rồi len lỏi đến tận các hang cùng ngõ hẻm để chào hàng: “Thịt, cá, rau xanh các cô, các bác ơi…”. Theo sau là mấy xe ba gác với những tiếng rao không kém phần rộn rã: “Cà chua, bắp cải, khoai tây, khoai mỡ đây…”.

Đến khoảng chiều, phá tan bầu không khí ảm đạm là những tiếng rao của các dịch vụ di động khác: “Ai mua chiếu không”, “Chổi đây”, “Mài dao, mài kéo không…”, “Mua tivi, tủ lạnh, máy giặt, đầu đĩa amply…”. Hay tiếng rao của cô bán tàu hũ nóng, tiếng leng keng của ông già bán cà rem, tiếng lách cách từ những thanh tre được gõ đều trên đôi tay cậu bé - thanh âm đặc trưng của món hủ tiếu gõ - khiến xóm nhỏ trở nên nhộn nhịp, rộn ràng.

Dần dần theo năm tháng, khi Sài Gòn ngày một phát triển, tiếng rao “chạy bằng cơm” năm nào dần được hiện đại hóa bằng những tiếng rao công nghệ. Người bán hàng gắn cho mình một chiếc loa nhỏ để phát các đoạn rao hàng thu sẵn. Tiếng rao được phát thành nhiều cách, mục đích là để giảm bớt nỗi vất vả cho người bán hàng nhưng nghe rất gần gũi bởi đó vẫn là giọng nói mộc mạc, câu từ đơn giản, chào mời thân thiện của chính các cô, các chị…

Khi Sài Gòn oằn mình trong trận đại dịch COVID-19 năm 2021, khi nhiều hàng rào được dựng lên, hàng quán ngừng hẳn, mọi người dân đều buộc phải ở nhà, Sài Gòn huyên náo bỗng trở nên lặng thinh. Những con phố không còn tiếng đinh tai nhức óc của còi xe, không còn âm thanh xập xình của hàng quán, chợ búa đìu hiu vắng ngắt, chỉ còn âm thanh của những tấm bạt rách vỗ vào nhau. Chỉ lúc đó, con người ta mới cảm thấy khao khát những tiếng ồn, thèm được nghe những tiếng rao, thậm chí là ước gì được nghe lại tiếng karaoke tra tấn của hàng xóm. Thanh âm gần như duy nhất còn vang lên trong giai đoạn này là tiếng còi xe cứu thương. Nghe đớn đau, quặn thắt.

… Giờ đây, khi Sài Gòn đã khỏe lại, những con đường sớm mai đã nhộn nhịp người chở rau, thịt, cá cho một phiên chợ mới. Hàng quán đã trở lại diện mạo tươi tắn, hồi sinh “rốp rẻng” đúng chất người Sài Gòn. Tiếng còi xe lại inh ỏi xen lẫn tiếng rao hàng: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ…”, “Hột vịt lộn, trứng cút lộn, bắp xào đây…”. Trong ký ức chưa xa, dường như tiếng rao là âm điệu đầu tiên khi Sài Gòn hồi sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm