Ngày 9-12, TAND tỉnh Bình Dương mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu bí thư thị xã Bến Cát, Bình Dương) cùng sáu bị cáo khác sau hai lần tạm hoãn.
Trong đó, bị cáo Khanh, Nguyễn Huy Hùng (cựu giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu phó trưởng Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Bốn bị cáo còn lại gồm: Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cựu cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Minh Tâm (cựu phó chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tại tòa. Ảnh: LÊ ÁNH
Trước đó, tại phiên tòa diễn ra ngày 4 và 18-11, các bị cáo, luật sư bào chữa và VKS đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa vì thiếu chứng cứ quan trọng là tài liệu ủy thác tư pháp (lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo, con gái bà Hiệp. Hiện đang định cư ở Mỹ) do FBI chuyển về.
Tài liệu ủy thác tư pháp đã được dịch sang tiếng Việt và các luật sư đã được tiếp cận. Tuy nhiên, đây là tài liệu mật của FBI nên không được phép sao chụp.
Tại tòa, các luật sư đặt câu hỏi: “Theo như nội dung tài liệu mà các luật sư đã tiếp cận thì lời khai của bà Hảo có thể thay đổi bản chất vụ án này. Chứng cứ quan trọng này có được công khai tại phiên tòa hay không? Các luật sư có thể dùng các nội dung này vào việc bào chữa cho các bị cáo hay không”.
HĐXX trả lời: “Mặc dù đây là tài liệu mật không được sao chụp và đưa ra khỏi cơ quan nhưng các luật sư có thể ghi chép lại nội dung trong tài liệu này, công khai bào chữa cho các bị cáo”.
Ngoài tài liệu ủy thác tư pháp, bà Hảo cũng đã ủy quyền cho đại diện hợp pháp của mình đến tham dự phiên tòa. Người này sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về lời khai của mình tại tòa.
Các bị cáo được xét hỏi riêng để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử. Đến hết ngày 9-12, HĐXX mới chỉ xét hỏi xong bị cáo Nguyễn Huy Hùng.
Bị cáo Hùng khai không hề gặp mặt bị cáo Khanh hay bất cứ ai mua tài sản thế chấp của bà Hiệp. Bị cáo này cũng nói rằng công ty định giá đã định giá quá cao so với giá trị thực của tài sản thế chấp nên không đồng tình với vấn đề này.
Ngoài ra, theo trình bày của bị cáo Hùng, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn tự huy động vốn, cho vay vốn chứ không nhận bất cứ khoản tiền nào từ phía BIDV Việt Nam. BIDV Việt Nam là ngân hàng cổ phần nên cổ phần của Nhà nước chỉ có một phần nhỏ, nói gây thất thoát thiệt hại cho Nhà nước là không chính xác.
Bán tài sản thế chấp 81 tỉ, thu được 10 tỉ Trong thời gian từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây) đã vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỉ đồng, thể hiện qua sáu bản hợp đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm hơn 20 ha đất, nhà xưởng, máy móc của Công ty An Tây với trị giá theo thẩm định tài sản gần 81 tỉ đồng. Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thông qua môi giới, bị cáo Khanh đã mua toàn bộ tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá gần 46 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỉ đồng, thiệt hại gần 36 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689 m2 đất trị giá hơn 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng. Các bị cáo Linh, Luân, Tâm, Thọ biết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 1.689 m2 kê khai không đúng với nguồn gốc đất thực tế. Tuy nhiên, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các thủ tục và ký xác nhận vào hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |