Xử hình sự mới ‘trị’ được pháp nhân vi phạm

Hai vấn đề xử lý hình sự pháp nhân và miễn hình phạt tử hình cho người trên 75 tuổi đã thu hút nhiều ý kiến tại hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLHS (sửa đổi) khu vực phía Nam do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 23-9.

Biện pháp hình sự mới đủ sức răn đe

Theo đại diện ban soạn thảo dự thảo BLHS (sửa đổi), phần lớn ý kiến góp ý ủng hộ truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (trong một số tội danh nhất định) và cho rằng đây là nội dung mang tính đột phá, thể hiện sự đổi mới về nhận thức trong việc xây dựng pháp luật hình sự. Chỉ có một số ít ý kiến không đồng tình, cho rằng vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật hiện nay xuất phát từ khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ sở pháp lý.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với bổ sung này vì nó khắc phục được những bất cập trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân hiện nay, nhất là các vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân bị thiệt hại” - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Quốc Hùng nói.

Theo ông Hùng, thực tiễn cho thấy việc xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự đối với pháp nhân vi phạm không bù đắp được thiệt hại và không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Pháp nhân sẽ so sánh giữa mức phạt và cái lợi từ việc vi phạm để lựa chọn có vi phạm hay không, như vậy là rất nguy hiểm, cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự mới đủ mạnh.

Đồng tình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang Nguyễn Giang Nam cho biết pháp luật ở Pháp chia thành hai loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tư quyền và công quyền. Hay ở Trung Quốc, cơ quan tố tụng có thể truy cứu cả trách nhiệm hình sự của cá nhân trong pháp nhân.

Cũng đồng tình nhưng Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Phan Trung Hoài và Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng Lê Thị Thanh Vân còn băn khoăn vài vấn đề. Theo luật sư Hoài, cần làm rõ hơn cơ sở thực tiễn để lý giải vì sao các biện pháp hành chính, dân sự không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Bà Vân thì cho rằng dự thảo chưa quy định cụ thể về nội dung, điều kiện, phạm vi áp dụng các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân vi phạm, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không tương xứng với mức độ vi phạm của pháp nhân.

Cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương xả thải gây ô nhiễm nhưng không thể xử lý hình sự vì thiếu quy định. Trong ảnh: Lực lượng chức năng trong một lần kiểm tra công ty này. Ảnh: M.Phong

Không tử hình người già?

Quy định về việc không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên trong dự thảo cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, các ý kiến ủng hộ cho rằng đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là đặc ân của Nhà nước đối với người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ. Tuy nhiên, nếu họ có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia hoặc cầm đầu băng nhóm buôn bán ma túy thì vẫn bị áp dụng hình phạt tử hình vì thực tế cho thấy ở độ tuổi đó, họ vẫn có thể thực hiện những hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Quốc Hùng đề xuất: Nên áp dụng quy định nhân đạo này với người từ 70 tuổi trở lên bởi lẽ xưa nay người ta hay nói “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, một người đến 70 tuổi đã được coi là thượng thọ rồi.

Trong khi đó, một đại biểu của tỉnh Quảng Nam lại cho rằng không nên quy định vì tuổi thọ trung bình nước ta đã được nâng cao hơn trước. Mặt khác, người 75 tuổi trở lên vẫn có thể là người chỉ huy, cầm đầu các băng nhóm tội phạm...

Bảo vệ quyền bào chữa

Tôi chưa thấy dự thảo đưa vào tội danh điều chỉnh hành vi xâm phạm quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa đã được Hiến pháp quy định. Thực tế cho thấy việc luật sư bị làm khó, bị ngăn cản tham gia vụ án hình sự đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Bỏ tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm

Dự thảo bổ sung tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm là can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự vì mua bán bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa hai bên. Nếu có hành vi làm giả bảo hiểm thì BLHS đã có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều chỉnh rồi.

PHAN THỊ MỸ DUNG, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An

Thêm tội đua tàu, ghe trái phép?

Ở các tỉnh miền Tây, ngoài hành vi đua xe trái phép trên đường bộ thì đã xuất hiện nạn đua tàu, ghe trái phép trên sông, trên kênh rạch. Hành vi đua tàu, đua ghe cũng nguy hiểm không kém đua xe nên tôi nghĩ cần bổ sung hành vi này vào nhóm tội đua và tổ chức đua xe trái phép.

PHAN QUỲNH GIAO, Phó Giám đốc
Sở Tư pháp TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới