Tại hội thảo bàn về dự thảo BLHS (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP Đà Nẵng trong hai ngày 23 và 24-7, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhận xét: Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một thiếu sót lớn.
Lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, hậu quả xã hội chịu
Ông Liên phân tích: Không chỉ cá nhân có hành vi phạm tội mà pháp nhân cũng có hành vi phạm tội. Có những tội phạm mà cả cá nhân và pháp nhân đều có thể gây ra như gian lận thương mại, buôn bán người, rửa tiền, khủng bố... Đồng thời cũng có tội phạm chỉ do pháp nhân gây ra như tội phạm về môi trường.
“Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ giúp người dân rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Bởi lẽ người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh vi phạm của pháp nhân và càng khó khăn hơn khi chứng minh thiệt hại xảy ra đối với mình, trong khi án phí tạm ứng cho yêu cầu bồi thường nếu kiện ra tòa rất lớn. Khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì các cơ quan tố tụng sẽ phải vào cuộc làm rõ những việc đó” - ông Liên nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng không thể dừng lại ở việc phạt hành chính hay kiện dân sự đối với pháp nhân. “Phạt hành chính hay kiện dân sự đều chưa đủ sức răn đe, các pháp nhân vẫn có xu hướng tiếp tục vi phạm vì lợi nhuận. Nếu không xử lý hình sự pháp nhân dễ dẫn đến tình trạng lợi nhuận doanh nghiệp (DN) hưởng, còn hậu quả xã hội chịu” - ông Hồng khẳng định.
Cùng quan điểm, theo Chánh tòa hình sự TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh, hiện có không ít trường hợp pháp nhân bị xử lý hành chính nhiều lần nhưng vẫn vi phạm lại. Do đó đưa pháp nhân vào quan hệ hình sự sẽ có tính răn đe cao hơn, chắc chắn pháp nhân sẽ sợ hơn và tuân thủ pháp luật hơn.
Mặt khác, bà Cảnh nhận xét gần đây vi phạm của pháp nhân xảy ra rất nhiều nhưng việc khắc phục hậu quả thì lại rất nhỏ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân sẽ đáp ứng được hai khâu là xử lý và thi hành án, bởi khi đó cơ quan tố tụng sẽ vào cuộc kê biên tài sản của pháp nhân nên dễ thi hành án về sau...
Lực lượng chức năng khai quật hố chôn hóa chất độc hại tại Công ty Nicotex Thanh Thái (tháng 10-2013). Công ty này đã bị phạt hành chính hơn 421 triệu đồng. Ảnh: LAO ĐỘNG
Xử cả người liên quan trong pháp nhân
Một vấn đề đặt ra, nếu xử lý hình sự pháp nhân thì có xử lý hình sự cá nhân liên quan đến vi phạm trong pháp nhân đó hay không?
Theo bà Nguyễn Thị Cảnh, một khi đã xác định pháp nhân phạm một tội mà BLHS quy định (đối với pháp nhân), pháp nhân sẽ phải chịu các hình phạt quy định như phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh… Riêng người của pháp nhân có liên quan đến tội phạm đó cũng phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân: “Chẳng hạn anh là người đứng đầu DN, anh chỉ đạo cấp dưới vi phạm thì DN có thể bị phạt tiền, còn anh có thể bị phạt tù”.
Quan điểm này được nhiều chuyên gia đồng tình bởi suy cho cùng vi phạm của pháp nhân cũng do người có trách nhiệm của pháp nhân thực hiện.
Cũng có ý kiến băn khoăn liệu việc xử lý hình sự pháp nhân là DN với các hình phạt như phạt tiền, đình chỉ hoạt động… thì hoạt động của pháp nhân có thể sẽ bị tê liệt, người lao động bị mất thu nhập, mất việc... Ông Hoàng Thế Liên cho rằng: Để giải quyết quyền lợi người lao động, chúng ta có thể vận dụng kinh nghiệm trong tình huống DN bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể vận dụng các quy định có liên quan của Luật DN về tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể DN, từ đó giải quyết vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động.
Góc nhìn khác - GS Joerg Menzel (ĐH Tổng hợp Born, Đức): Nước Đức không dùng hình sự để xử lý sai phạm của pháp nhân mà chỉ làm tốt hành chính và dân sự là được rồi. Trước khi đưa vào sử dụng biện pháp hình sự với pháp nhân, cần đặt câu hỏi là nếu làm thế thì có tốt hơn xử phạt hành chính hay không? Nếu áp dụng biện pháp hành chính mà quyền lợi của các bên vẫn đảm bảo thì không nhất thiết phải dùng biện pháp hình sự. Ví dụ ở Hoa Kỳ, DN vi phạm có thể bị phạt tới hàng tỉ USD. Xử phạt cao thì vẫn đảm bảo tính răn đe nên theo tôi, không phải đưa ra luật này là hơn luật kia mà quan trọng là làm tốt luật đó. - Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên-Huế: Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân mà hình thức xử phạt là các biện pháp phạt tiền hay thu hồi giấy phép thì dùng biện pháp hành chính cũng đủ rồi. Tôi cho rằng nếu người của pháp nhân làm sai thì cá nhân người đó phải chịu trách nhiệm hình sự, còn với pháp nhân thì chỉ cần xử lý hành chính. |