Xử nghiêm người vi phạm, phòng chống dịch COVID-19

Theo Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì tùy thuộc vào phân loại cấp độ dịch, người dân ở các vùng dịch thuộc các cấp độ sẽ có các quyền thực hiện các hoạt động khác nhau.

Tuân thủ 5K là bắt buộc

Cụ thể là: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Người dân mặc đồ bảo hộ, sát khuẩn và giữ khoảng cách khi mua hàng
tại chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, các quyền của người dân sẽ tập trung vào các nhóm hoạt động bao gồm: Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời, vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp…

Cũng theo quy định của Nghị quyết 128/2021, các địa phương được linh hoạt áp dụng biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân... tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương đó.

Do vậy mức độ quyền của người dân còn căn cứ cụ thể vào quy định riêng của từng địa phương.

Tuy nhiên, người dân phải tuân thủ 5K là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả vùng dịch thuộc các cấp độ khác nhau trong tất cả hoạt động.

Thêm vào đó, thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của UBND TP.HCM thì toàn TP ở cấp độ dịch là cấp 2.

Đối chiếu với Nghị quyết 128/2021 và các chỉ thị của TP, dù TP.HCM đang từng bước nới lỏng giãn cách nhưng người dân phải thực hiện nghiêm 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tập trung đông người).

Đối với người dân sống tại các vùng dịch cấp độ 3, cấp độ 4 trên địa bàn TP.HCM thì càng cần tuân thủ 5K và có thể bị hạn chế đi lại những địa bàn có mức độ dịch khác nhau.

Thủ tướng: Không vì đã tiêm vaccine mà lơ là phòng chống dịch

Tối 7-11, Văn phòng Chính phủ gửi công điện đến các địa phương, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường phòng chống COVID-19; các tỉnh, thành đẩy mạnh vận động người dân thực hiện nghiêm 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan.

Tăng cường kiểm tra phòng chống dịch tại các địa điểm nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; các vi phạm liên quan sẽ bị xử lý nghiêm.

Các tỉnh, thành thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về thích ứng an toàn và các giải pháp phòng chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vaccine.

(Theo TTXVN) 

Có bị phạt vì ngồi uống cà phê?

Nghị định 117/2020 là hành lang pháp lý áp dụng chung cho tất cả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trường hợp người dân vi phạm 5K hay các quy định khác về phòng ngừa dịch COVID-19, tức vi phạm Nghị quyết 128/2021 thì việc xử lý vi phạm là có thể thực hiện được.

Cần lưu ý rằng việc xử phạt vi phạm hành chính cần phải cụ thể hóa bằng những quy định cụ thể của UBND cấp tỉnh và nên dung hòa với các quyền khác của người dân.

Cụ thể, khi chính quyền cho phép thực hiện các dịch vụ tại chỗ (dịch vụ ăn, uống…) thì việc không đeo khẩu trang trong khi ăn là một ngoại lệ mà không thể xử phạt được.

Tuy nhiên, quy định này cần phải hiểu là khi người dân được thực hiện ăn, uống tại chỗ thì họ vẫn phải đảm bảo các quy tắc an toàn để không làm lây nhiễm dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa cơ quan nhà nước vẫn có thể xử lý đối với các trường hợp ăn, uống tại chỗ nhưng không đảm bảo các tiêu chí an toàn như giữ khoảng cách, tối đa hai khách/bàn…

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại chỗ sẽ phải đảm các quy tắc an toàn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ và hành khách theo Quyết định 3677 của UBND TP.HCM.

Thiết chế pháp luật để xử lý các vi phạm là cần thiết và cần đảm bảo nghiêm nhưng quan trọng hơn là vấn đề truyền thông, với tâm thế “chung sống với dịch” người dân không được chủ quan, lơ là phòng dịch. Vì vậy, mọi người dân cần được nhắc nhở thường xuyên về khả năng tái bùng dịch, để từ đó có ý thức tốt hơn về phòng ngừa dịch bệnh.

   

Một quy định cần được sửa đổi

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có điểm chưa phù hợp. Cụ thể là khoản 1 Điều 6 Nghị đinh 117/2020 quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm”.

Việc xử phạt khi có hành vi vi phạm mà không chứa đựng bất cứ yếu tố nguy cơ nào là chưa phù hợp. Nếu không quy định yếu tố nguy cơ sẽ dễ dẫn đến việc bất cứ hành vi nào theo liệt kê trên đều sẽ vi phạm. Khi ấy, việc xử lý được áp dụng rất tùy nghi hoặc không thể áp dụng vào thực tế hoặc khó thuyết phục người bị chế tài.

Vì vậy, nên sửa đổi quy định này là “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm dẫn đến khả năng làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm”.

TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trưởng bộ môn dân sự, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm