Theo đúng kế hoạch sáng nay (ngày 9-8), TAND tỉnh Kon Tum mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần ba vụ án cưa gỗ khô. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND tỉnh này thì phiên tòa được xét xử công khai.
Tuy nhiên ngay từ sáng sớm, công an đứng đầy ngoài đường kiểm tra an ninh gắt gao. Phía trong nhiều người dân đến tham dự phiên tòa từ sớm nhưng không được vào phòng xét xử. Vì thế nhiều người đã la ó phản ứng vì không được vào phòng xử án mà phải ngồi ở ngoài sân tòa ngồi nghe qua loa phát thanh.
Ban đầu người dân không được vào phòng xử chỉ được đứng ở sân tòa. Ảnh: NGÂN NGA
Báo chí không được vào phòng xử mà phải ngồi riêng trong một phòng khác để tác nghiệp qua màn hình tivi. Theo thông báo thì chỉ có phóng viên của báo địa phương được chụp ảnh tại tòa.
Khi được hỏi lý do vì sao không cho người dân vào trong khuôn viên tòa mà chỉ được ngồi ở sân, nhiều cán bộ công an cho biết chỉ làm theo yêu cầu của tòa.
PV Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với lãnh đạo tòa án tỉnh để hỏi về quyền tác nghiệp của nhà báo tại tòa và vì sao phải kiểm soát qúa mức cần thiết, tuy nhiên tòa này cho biết lãnh đạo đang bận không tiếp được.
Sau đó người dân đã vào nhưng phải đứng ngoài cửa phòng xử. Ảnh: NGÂN NGA
Cũng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thành phần HĐXX phiên tòa này gồm có: Phó Chánh án Đỗ Thị Kim Thư (làm chủ toạ), Chánh Tòa Hình sự Nguyễn Văn Long và Chánh Tòa Dân sự Trần Tỷ.
Chánh án Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh án Nguyễn Tiến Tăng cùng với bốn thẩm phán khác là thẩm phán dự khuyết.
Một trong những điểm đáng chú ý ở vụ án là tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên bố cả năm bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản.
Sau đó, năm bị cáo gửi đơn yêu cầu TAND huyện Đăk Hà (nơi từng kết án oan cho các bị cáo) phải xin lỗi thì tòa này từ chối nhận đơn vì cho rằng phải chờ quyết định giám đốc thẩm. Đúng 24 ngày sau (kể từ ngày tòaà huyện từ chối nhận đơn), Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu xử năm bị cáo có tội trở lại.
sau đó Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng (Bộ NN&PTNT) lên tiếng khẳng định hành vi của năm bị cáo cưa khúc gỗ trắc chết khô không đủ căn cứ xử lý hình sự, chỉ có thể xử phạt hành chính từ 2-8 triệu đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cũng yêu cầu Chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án. Thế nhưng Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du giải trình thay chánh án đã viện dẫn không đúng quy định pháp luật.
Sau rất nhiều lần hoãn xét xử giám đốc thẩm, mãi gần một năm sau tức 7-6 (kể từ ngày có kháng nghị) TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mới xét xử do Chánh án Nguyễn Anh Tiến làm chủ toạ. Tòa này đã huỷ bản án từng tuyên năm bị cáo không phạm tội để yêu cầu TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm trở lại theo hướng có tội.
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, tháng 4-2016 kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho bốn người dân gồm: Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng).
Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 (của các cơ quan ban ngành ở Trung ương) thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013.
Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đăk Hà vẫn kết tội các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội.
Bị cáo Lê Quốc Khánh không đồng ý quyết định kháng nghị của TAND Tối cao và quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Các bị cáo cho biết tại sao cùng một loại rừng cùng một hành vi nhưng không tòa nào xử tội trộm cắp tài sản.
Hiện phiên tòa đang tiếp tục diễn ra, phóng viên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.