Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm của TAND quận 7, tuyên buộc bị đơn Phùng Ngọc M phải ra khỏi căn nhà ở đường Tân Phong (quận 7) để trả nhà cho nguyên đơn Quách Thanh H.
“Cố thủ” hai năm trong căn nhà đã bán
Theo hồ sơ vụ án, căn nhà trên đường Tân Phong được ông H mua của bà Hoàng Thị M (vợ đã ly hôn của ông M) đã hai năm nay. Ông H đã thanh toán đủ tiền mua nhà là 1,9 tỉ đồng, đã cập nhật biến động sang tên căn nhà qua tên ông và được bà Hoàng Thị M bàn giao nhà.
Tuy nhiên, ông M không chịu ra khỏi nhà với lý do căn nhà là do ông lao động cực nhọc ở nước ngoài mới có. Sau đó, ông H khởi kiện, yêu cầu ông M phải ra khỏi nhà thuộc sở hữu của mình.
Ông M cho rằng mình đã làm giấy tặng cho căn nhà này cho hai con là để có chỗ cho cha con đoàn tụ. Bà Hoàng Thị M đã kích động các con ký giấy bán nhà. Hiện ông tuổi đã cao, nghỉ hưu nhưng không được hưởng chế độ, không làm việc gì khác, ông mong muốn giữ lại nhà cho cha con ông. Ngoài ra, ông M cho rằng ông bỏ ra 7 tỉ đồng để mua căn nhà, giờ định giá là 10,5 tỉ đồng, mà bà Hoàng Thị M chỉ bán cho ông H giá 1,9 tỉ đồng; trong khi đó họ không phải bà con ruột thịt, cũng không phải vợ chồng. Do đó, ông M đề nghị xem xét vấn đề trốn thuế.
Xử sơ thẩm, TAND quận 7 đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông H, buộc ông M dọn ra khỏi nhà để trả nhà lại cho chủ mới. Không đồng ý, ông M kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, HĐXX phúc thẩm nhận định: Theo văn bản phân chia tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn thì ông M được nhận một căn nhà ở quận 8 và một chiếc xe hơi, còn bà Hoàng Thị M thì nhận căn nhà ở quận 7. Ông M ký tặng cho hai con phần sở hữu của ông đối với căn nhà ở quận 7 để hai con cùng đứng tên đồng sở hữu với mẹ.
HĐXX nhận định rằng trong suốt quá trình giải quyết, ông M thừa nhận việc cho nhà là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hay ép buộc. Nay ông lại cho rằng “chỉ cho một phần thuộc quyền sử dụng quyền sở hữu căn nhà” nhưng lại không chỉ ra được một phần là bao nhiêu. Việc này mâu thuẫn với chính các thỏa thuận ông đã ký kết trong hợp đồng tặng cho. Điều này chứng minh ông đã cố tình gây khó dễ, làm xáo trộn cuộc sống của mẹ con bà Hoàng Thị M, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và việc học tập của con khi đang ở trong căn nhà của mình.
Cung cấp chứng cứ, lộ hành vi bạo lực gia đình
HĐXX phúc thẩm chỉ ra hành vi bạo lực gia đình qua xem xét chứng cứ. Đó là khi xảy ra xô xát, đánh đập nhau, ông M dùng lời lẽ thô bạo xúc phạm con, con bệnh còn đuổi con ra khỏi nhà. Ngày 23-10-2020, công an phường đã lập biên bản sự việc này.
Nhà có giá hơn 10 tỉ đồng, bán chỉ 1,9 tỉ đồng là sự thỏa thuận giữa hai bên, không trái pháp luật; đây lại là nhà duy nhất mà bà Hoàng Thị M và các con sở hữu nên được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Những chứng cứ do ông M cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm là vi bằng do Văn phòng thừa phát lại quận 8 lập ngày 14-11-2022, với những nội dung tin nhắn Zalo trích xuất trong điện thoại của ông đã chứng minh rất rõ hành vi bạo lực tinh thần của ông đối với các con. Ông có lời lẽ nhắn tin cho con đầy sự xúc phạm, thể hiện sự tranh giành đến cùng cho chính bản thân ông, ngay cả đối với tài sản mà ông đã ký tặng cho con.
Bà Hoàng Thị M vì sự an toàn của các con và muốn ổn định cuộc sống nên đã chủ động nhượng bộ cho ông M 1/3, còn ba mẹ con bà 2/3 giá trị căn nhà tại quận 7 nhưng ông đòi chia đôi dù ông đã được chia căn nhà tại quận 8. Nội dung tin nhắn minh chứng cho hành vi bạo lực gia đình, bỏ mặc không quan tâm đến quyền và lợi ích của con chưa thành niên. Tin nhắn không có nội dung nào thể hiện tình yêu thương, thể hiện sự phản đối bán nhà là vì muốn bảo vệ quyền lợi cho con.
Theo HĐXX, chứng cứ ông M nộp nhằm mục đích hủy hợp đồng bán nhà đã chứng minh điều ngược lại. Ông M đang có hành vi xâm phạm đến quyền lợi của con chưa thành niên về mặt tinh thần cũng như về tài sản. Sau ly hôn, bà Hoàng Thị M là người đại diện theo pháp luật cho con nên bà đại diện con ký bán nhà là đúng quy định của Bộ luật Dân sự. Con của ông bà cũng có văn bản cho biết hoàn toàn tự nguyện đồng ý cho mẹ bán nhà vì yên tâm được mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, cho học hành đầy đủ.
Từ những quy định của pháp luật lẫn hoàn cảnh thực tế thì việc bà M ký bán nhà mà không bàn bạc với ông M không ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ.
Vì vậy, HĐXX phúc thẩm đã tuyên án như trên.
Bán căn nhà duy nhất được miễn thuế thu nhập
HĐXX phúc thẩm nhận định không cần đưa văn phòng công chứng và chi cục thuế vào tham gia tố tụng vì đây là vụ án đòi nhà chứ không phải tranh chấp hợp đồng mua bán nhà.
Giá mua bán nhà có thấp hơn giá thị trường cũng không trái quy định pháp luật vì đây là sự thỏa thuận giữa hai bên. Căn nhà lại là nhà duy nhất mà bà Hoàng Thị M và các con sở hữu nên được miễn thuế thu nhập cá nhân.