Bốn bị cáo được khởi tố cho tại ngoại và đều có mặt tại TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sáng 3-5. Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, đại diện Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu công bố cáo trạng.
Đại diện VKS công bố cáo trạng-ẢNh: TK
Đã thấy trước nguy cơ xảy ra tai nạn
Theo cáo trạng, qua quá trình điều tra xác định, ngày 23-3-2017, tàu Hải Thành 26-BLC chở 3.000 tấn Clinker từ cảng Hải Phòng đi Cần Thơ. Trên tàu có 11 thuyền viên do ông Nguyễn Viết Thắng (47 tuổi) làm thuyền trưởng; ông Phạm Hữu Phước là máy trưởng kiêm quản trị tàu.
Trong số 11 người chỉ có năm người có đăng ký danh sách thuyền viên gồm ông Nguyễn Viết Thắng, Phạm Hữu Thược, Lương Văn Quỳnh, Hoàng Tiến Khôi, Vũ Thế Kiên. Sáu người không có trong danh sách thuyền viên và không có chứng chỉ chuyên môn.
Đến khoảng 23 giờ 50 phút ngày 27-3, ông Thắng bàn giao ca trực buồng lái cho ông Khôi là sỹ quan boong và thợ máy Ninh Văn Quỳnh đến buồng lái trực ca và điều khiển tàu trong khoảng thời gian từ 0- 4 giờ ngày 28-3. Thời điểm giao ca tàu đang chạy theo hướng 235 độ (từ Bắc vào Nam), tốc độ khoảng 7,5 hải lý/giờ. Hệ thống máy, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc hoạt động bình thường.
Sau khi nhận ca trực, thợ máy Quỳnh điều khiển tàu, còn ông Khôi làm nhiệm vụ cảnh giới thì phát hiện thấy một tàu (sau này được xác định là tàu Petrolimex14) đang đi phía trước tiến gần về phía bên phải của tàu Hải Thành 26-BLC, khoảng cách 3-4 hải lý. Khi đó, Khôi nhìn thấy đèn hành trình cột trước và đèn đỏ bên mạn trái của mục tiêu nên phán đoán tàu này đang đi gần đối hướng, từ phải sang trái tàu Hải Thành 26-BLC.
Do tàu Hải Thành 26-BLC không có thiết bị nhận dạng mục tiêu nên không biết tên và hướng đi của tàu này. Khôi đã sử dụng hệ thống thông tin liên lạc VHF gọi để thông báo hướng đi và thống nhất điều động tránh đâm va. Tuy nhiên, không có tín hiệu trả lời từ tàu này. Khôi nói với thợ máy Quỳnh giữ nguyên hướng đi của tàu, còn Khôi đến bàn hải đồ bật đèn để kiểm tra nhật ký hải trình nhưng Quỳnh bảo tắt đèn để Quỳnh quan sát, điều động tránh đâm va. Khôi tắt đèn và tiếp tục gọi VHF bốn lần nữa nhưng vẫn không có tín hiệu trả lời từ tàu Petrolimex14.
Sau khi hai tàu tiến đến gần nhau, thợ máy Quỳnh cầm đèn pin chạy ra mạn phải, chiếu vào tàu mục tiêu để ra hiệu tránh đâm va, còn Khôi thay Quỳnh điều khiển tàu. Khi hai tàu tiến đến gần nhau, có khả năng xảy ra đâm va cao thì Quỳnh bảo Khôi giảm ga để giảm tốc độ của tàu. Khôi kéo tay ga để giảm tốc độ, Quỳnh tiếp tục dùng đèn pin chiếu vào tàu để ra hiệu chuyển hướng tránh đâm va. Khi đó, máy trưởng Thược và đại phó Lương Văn Quỳnh nghe tiếng máy giảm đột ngột nên chạy vào buồng lái và chạy ra phía mạn phải quan sát để hướng dẫn Khôi điều động tàu tránh đâm va. Khôi nghe tiếng “bẻ lái qua trái” nên điều khiển tàu qua bên trái. Thời điểm này thuyền trưởng Thắng cũng vừa chạy lên buồng lái.
Khi đó tàu mục tiêu-sa đã đâm thẳng vào mạn phải của tàu Hải Thành 26 khiến tàu này nghiêng qua trái. Rất nhanh sau đó tàu Hải Thành 26 bị chìm cùng với toàn bộ thuyền viên và hàng hoá trên tàu. Do khi đâm va Khôi và thuyền trưởng Thắng bị xô qua mạng trái của tàu, ôm vội được phao tròn nên nổi lên mặt nước trước khi tàu chìm. Sau đó, Thắng và Khôi lên được phao cứu hộ của tàu Hải Thành 26 nổi lên rồi phát tín hiệu cấp cứu. Đến 6 giờ 30 phút cùng ngày, Thắng và Khôi được tàu Petrolimex14 đến cứu.
Về phía tàu Petrolimex14, qua điều tra xác định, khoảng 16 giờ ngày 27-3, tàu Petrolimex14 (của công ty CP Vận tải xăng dầy VITACO) do ông Phạm Văn Lộc (thuyền trưởng) điều khiển, trên tàu có 24 thuyền viên rời cảng Nhà Bè, TP.HCM đi Quảng Ngãi để lấy hàng. Đến 20 giờ 18 phút cùng ngày, tàu đã ra khỏi phao số 0, chuyển sang chế độ lái tự động. Sau đó ông Lộc bàn giao lại quyền chỉ huy tàu cho thuyền phó 3. Đến 23 giờ 45 phút ngày 27-3, thuyền phó 2 là Trần Kiên và thuỷ thủ Nguyễn Xuân Sang lên nhận bàn giao ca trực từ thuyền phó 3. 15 phút sau việc bàn giao kết thúc trong điều kiện thời tiết, máy móc, trang thiết bị hàng hải hoạt động bình thường. Thời điểm đó có một tàu container vừa vượt lên phía mạn trái của tàu Petrolimex14.
Sau khi nhận ca, Kiên cảnh giới bằng mắt thường, kết hợp sử dụng ống nhòm và theo dõi qua hệ thống radar. Khoảng hai phút sau, do không phát hiện thấy mục tiêu nguy hiểm nên Kiên chỉ đạo Sang tiếp tục cảnh giới, còn Kiên đi vào buồng hải đồ để làm phúc trình hàng hải. Khi được giao nhiệm vụ, Sang quán sát bằng mắt thường và chỉ thấy có một mục tiêu là tàu container đang vượt phía trước. Tiếp đó, Sang lên phía trên bên phải buồng lái đứng và nhìn xuống mặt sàn boong tàu mà không quan sát phía trước. Một lúc sau, thấy có ánh đèn phía bên trái chiếu vào mặt ở khoảng cách gần nên Sang giật mình. Sang chạy đến bàn điều khiển, chỉnh cho tàu chuyển sang chế độ lái tay và bẻ lái sang phải. Tuy nhiên do mục tiêu- sau này được xác định là tàu Hải Thành 26-BCL ở cự ly quá gần nên tàu không tránh kịp và đã đâm thẳng vào tàu Hải Thành 26 dẫn đến rung lắc mạnh. Khi ấy, Kiên chạy ra hỏi Sang. Sang nói “nó lao vào mình anh ơi. Nó tắt đèn thế nào giờ nó mới bật lên thế này”. Sau đó, Kiên và Sang đi kiểm tra bên ngoài.
Mặc dù biết tàu đã đâm va với mục tiêu không xác định, ảnh hưởng đến an toàn của tàu nhưng Kiên không báo cho thuyền trưởng biết. Sau khi kiểm tra, Kiên và Sang không nhìn thấy gì nên lái tàu tiếp tục hành trình. Khoảng 10 phút sau, sỹ quan trực ca buồng máy phát hiện có báo động mức nước cao nên đã gọi điện cho trực máy xuống kiểm tra và báo cáo cho Kiên biết. Kiên chỉ đạo Sang đi kiểm tra thì phát hiện lancan buồng chân vịt mũi bị thủng, có nước tràn vào nhưng Kiên vẫn không báo cho thuyền trưởng biết. Khoảng một giờ sau thấy tàu bị nghiêng nên Kiên gọi điện thông báo cho đại phó của tàu Petrolimex14 thông báo toàn bộ sự việc. Đại phó này đã báo vụ việc lên thuyền trưởng để người này chỉ đạo tàu quay lại tham gia tìm kiếm cứu nạn và thông báo về công ty VITACO.
Khoảng 6 giờ 30 phút cùng ngày, tàu Petrolimex14 đã cứu được thuyền trưởng Thắng và sĩ quan boong tàu Hải Thành 26. Chín thuyền viên khác trên tàu Hải Thành 26 đã tử vong và được tìm thấy sau đó.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TK
Lỗi trực tiếp do các thuyền viên tàu Petrolimex14
Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phối hợp cùng Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Viện KSND tỉnh trích xuất dữ liệu từ thiết bị ghi dữ liệu hành trình trên tàu Petrolimex14. Qua đó xác định: Đến khi thời điểm đâm va, tín hiệu tàu Hải Thành 26-BLC luôn rõ, hướng và phương vị gần như không thay đổi. Tàu Hải Thành 26-BLC đã gọi thông qua VHF với nội dung “Tàu nào đang hành trình ra Bắc, tàu đi đối hướng gọi”. Tuy nhiên, sỹ quan trên tàu Petrolimex 14 là Kiên và Sang không trả lời, không có hành động xử lý. Ngày 21-6, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu kết luận xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là yếu tố con người, cụ thể lỗi trực tiếp là do người thực hiện trong trực ca và điều khiển của tàu Petrolimex 14.
Sau đó Cơ quan ANĐT đã khởi tố bị can nhưng cho tại ngoại đối với bốn thuyền viên Khôi, Thắng, Sang và Kiên về tội “Điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại khoản 3 Điều 223 của Bộ luật hình sự..
Cụ thể CQĐT xác định lỗi trực tiếp là do thuyền viên Kiên và Sang của tàu Petrolimex14 không làm tốt công tác cảnh giới. Trong lúc trực điều khiển tàu, Kiên đã bỏ đi khỏi vị trí trực, Sang không thực hiện việc trực theo sự chỉ đạo của Kiên mà đi lên phía trước buồng lái nhìn xuống mặt sàn boong. Lỗi gián tiếp là do thuyền viên Khôi của tàu Hải Thành 26-BCL là người chỉ huy trong ca trực mặc dù đã phát hiện thấy tàu Petrolimex14 đang di chuyển đổi hướng nhưng không có hành động để tránh đâm va phù hợp. Thuyền trưởng Thắng là thuyền trưởng tàu Hải Thành 26-BLC khi cho tàu xuất bến thấy thiếu hai thuỷ thủ trực ca và 1 thợ máy trực ca so với định biên an toàn tối thiểu mà vẫn cho tàu rời cảng.
Sau tai nạn xảy ra, phía công ty Phương Thịnh- chủ tàu Hải Thành 26-BCL đã hỗ trợ cho gia đình các thuyền viên gặp nạn và yêu cầu công ty VITACO phải bồi thường thêm số tiền hơn 28,6 tỷ đồng. Công ty VITACO cũng đã bồi thường cho các thuyền viên tử vong, hai thuyền viên còn sống số tiền 1,850 tỷ đồng và hỗ trợ công ty Phương Thịnh 908 triệu đồng. Có sáu gia đình thuyền viên tử vong đồng ý với mức công ty VITACO bồi thường và làm đơn bãi nại, còn ba gia đình chưa đồng ý và yêu cầu công ty VITACO bồi thường thêm.