Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt phát biểu như trên tại buổi cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) tại phiên làm việc chiều nay, 16-3, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Võ Trọng Việt.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) Phan Xuân Dũng đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật để quy định chi tiết tiêu chí, trình tự thủ tục, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng gắn liền với chuyển mục đích sử dụng đất một cách phù hợp, bảo đảm được tính bền vững của hệ sinh thái.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòn-An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh luật cần phải ngăn chặn được việc tàn phá rừng núp bóng chính sách chuyển đổi rừng.
“Ở Tây Nguyên, các đồng chí có thấy trớ trêu không, rừng có cây trăm năm tuổi rất cao to, cho rằng rừng cạn kiệt, chuyển đổi chặt hết làm rừng cao su. Phá rừng đầu nguồn, đặc dụng hết có ai chịu không, không ai chịu cả. Cách đây ba năm, lợi dụng cơ chế chính sách, một số địa phương thực hiện chuyển đổi rừng rất nhiều nhưng không ai chịu trách nhiệm cả” - ông Việt dẫn chứng.
Từ đó ông Việt nêu quan điểm: “Việc chuyển đổi rừng phải được cơ quan cấp trên thẩm định. Ví dụ tỉnh chuyển đổi thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, như thế mới giám sát được chứ cứ đưa luật ra thì thẩm quyền ông cứ làm, sai cứ sai không ai quản lý được”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Cũng theo ông Việt, từ trước đến nay “toàn lấy của rừng, chứ đầu tư trở lại cho rừng thì không được bao nhiêu”.
“Tôi sang Lào thì không cần nói dài dòng, cứ chặt một cây trồng một cây, còn mình thì chặt trăm cây trồng nửa cây, còn đâu lấy hết. Bao nhiêu khoáng sản quý, gỗ quý, thú quý… lấy hết rồi. Ngày xưa rừng là vàng, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù nhưng thời phát triển này thì rừng làm giàu cho lâm tặc” - ông Việt nói.
Cùng nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc quản lý rừng của ta từ xưa đến nay còn nhiều bất cập, hạn chế. Ông dẫn chứng: “Ngay ở dự thảo còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu thêm. Chẳng hạn Điều 24 dự thảo luật (về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng) vẫn còn khá chung chung, cần phải quy định cụ thể rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm định… việc chuyển đổi rừng”.