Ngủ đêm ở lãnh địa ‘khỉ ho cò gáy’

“Đà Lạt có một xứ xa xôi, khỉ ho cò gáy nhưng phong cảnh thiên nhiên thì như bồng lai tiên cảnh”. Nghe dân mạng rỉ tai nhau như thế, vốn sẵn máu thích phượt, tôi lên kế hoạch phải băng rừng vượt núi để tìm ra cái xứ này.

Lạc lối giữa rừng

Thấy tôi lui cui chuẩn bị cho chuyến đi, đồng nghiệp gặng hỏi: “Một mình à, con gái phượt nguy hiểm lắm đấy. Phượt đêm ở một nơi xa lạ không khác nào giỡn mặt tử thần!”. Thực ra thì tôi có rủ cô bạn chí cốt tên Nga cùng thực hiện chuyến đi này.

10 giờ sáng, tôi đặt chân đến Đà Lạt và tới điểm hẹn giữa trung tâm thành phố. Chưa thấy mặt Nga thì cái giọng lạnh lẽo của nó như gáo nước dội vào mặt tôi: “Không có trên Google Map mày nha! Cứ ngồi lên xe tao chở đi” .

Cái tên “khỉ ho cò gáy” quả thực đã mang đến cho mọi người cảm giác một nơi đầy sự bí ẩn, liêu trai. Thế nhưng con đường đi tìm cái lãnh địa này lại cực kỳ thú vị và nhiều cảnh đẹp tựa chốn bồng lai pha chút hoang sơ, mê mải.

Chúng tôi xuất phát theo hướng đường Nguyễn Văn Cừ nằm cập theo Công viên Ánh Sáng lên đường 3 tháng 2, đến khúc cua nhà thờ Tùng Lâm-đường Ankroet. Khúc cua này khá nguy hiểm do hơi khuất, dốc lại hay có xe tải và xe du lịch lưu thông. Đến ngã ba Thung Lũng Vàng chúng tôi đi thêm 2 km nữa thì thấy ngã ba mũi tàu chia thành hai nhánh: Rẽ phải đi làng Cù Lần, còn đi hướng trái là xã Lát, Lạc Dương. Giữa hai nhánh đường chúng tôi phân vân không biết đi hướng nào, hỏi vài người dân cũng không ai hay biết. Nga và tôi đành phó mặc cho “hên xui”, thống nhất đi hướng trái đến xã Lát.

Chúng tôi chạy khoảng 20 km trên con đường dẫn vào huyện Lạc Dương, đường vòng vèo, mù mịt núi rừng không một bóng người. Đi thêm được hơn 10 phút thì xe thủng lốp. Hốt hoảng thật sự, tôi loay hoay vơ chiếc điện thoại trong túi ra dò đường thì… cột sóng trống trơn. Hai đứa con gái cuống quýt, không biết làm sao xử lý chiếc xe xịt lốp giữa cái nắng chói chang lúc 13 giờ trưa.

Chúng tôi đành lầm lũi dắt xe xuyên qua rừng thông. Mệt đừ. May sao tới 14 giờ thì gặp một ngôi nhà nhỏ giữa triền núi, chú chủ nhà thương tình đã vá hộ chiếc xe Dream tàn sau lời cầu khẩn tha thiết của hai con nhỏ “lầm đường lạc lối”.

Trò chuyện với chú chủ nhà, chúng tôi giật mình khi biết đã lạc đường. Suốt bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đi được khoảng 50 km mà bây giờ phải vòng ngược lại. May mà chiếc xe đồng hành tội nghiệp đã được sửa xong.

Lãnh địa bí ẩn

Chiếc xe cùng hai đứa con gái tội nghiệp quay trở lại cung đường dẫn vào làng Cù Lần. Ở đây toàn đường dốc khá hiểm trở, đường hơi nhỏ, một số vị trí vách đá sạt lở, cây đổ chắn ngang đường. Con đường ngoằn ngoèo bám chân sườn núi như dải lụa sáng lóa bám chặt vào chân những ngọn núi xù xì, già nua cây xanh. Cây ghé đất mọc xô lên từ ngang vách núi nhìn ngầu không thua những “soái ca” của núi rừng Tây Nguyên đầy gió.

Miệt mài chạy xe tới 17 giờ, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến được cái xứ “khỉ ho cò gáy”. Vượt qua chặng đường gần 100 cây số kể cả quãng đường bị lạc, điện thoại mất sóng, xe xịt lốp, cuối cùng chúng tôi thỏa mãn được ước mơ của mình.

Tuy nhiên, xứ khỉ ho cò gáy lại không phải xứ sở thần tiên như trong tưởng tượng của tôi. Cách nhận biết chỉ là một tấm biển “Lãnh địa Khỉ ho cò gáy” gắn trơ trọi giữa núi đồi, có lẽ là của một đơn vị nào đó sắp sửa kinh doanh du lịch ở đây. Ngoài ra cảnh vật cũng chẳng khác gì những nơi trăng thanh gió mát khác của Đà Lạt.

Hụt hẫng, thất vọng, xen chút bực bội, tuy vậy chúng tôi cũng chẳng thể vừa đến lại về ngay nên quyết định khám phá cái khu rừng của “khỉ ho cò gáy” này.

Không thể tiếp tục chạy xe trên con đường dẫn sâu vào rừng, chúng tôi đành bỏ chiếc Dream cũ kỹ bên sườn dốc và bắt đầu đi bộ. Mặc dù trời còn nắng nhưng bước vào nơi đây, chúng tôi không thể đón được ánh mặt trời vì thông nối thông đan xen nhau, ngước lên chẳng thấy bầu trời.

Qua hết những con đường xanh mê mải của thông lại đến những lối đi đầy những thân cây cao lớn, gốc đã già. Bước chân lạo xạo trên lá khô, tôi nghe đâu đây tiếng chim hót vang khắp bốn bề, tiếng ve rừng râm ran đan xen, tiếng suối chảy róc rách... Tất cả những âm thanh đó thật khiến người ta có cảm giác đang lạc giữa chốn rừng thiêng xa thẳm, quên hẳn bao xô bồ của khói bụi, còi xe phố thị. Cảm giác hụt hẫng, bực bội lúc này cũng vơi bớt phần nào.

Muốn sống lại với chính mình

Loanh quanh tại “khỉ ho cò gáy” một hồi, đồng hồ mới điểm 18 giờ mà trời đã tối mịt. Không gian xung quanh không một bóng người. Chúng tôi quyết định ở lại đêm để thưởng ngoạn cảnh núi rừng bạt ngàn của “khỉ ho cò gáy”. Giữa lưng chừng núi không tìm được nơi dựng lều, chúng tôi trở lại lấy xe, thả ga cho xe xuống gần hết đoạn đường mòn nằm sâu trong thung lũng màu xanh.

Hai đứa con gái bon bon trên chiếc xe Dream cũ kỹ, đồ đạc chẳng có gì ngoài chiếc ba lô đựng vài đồ linh tinh và chiếc máy ảnh men theo tiếng thác đổ mà tìm xuống tận lòng hồ để sống trọn với cảm giác phiêu lưu. Tất cả âm thanh, màu sắc cảnh vật làm chúng tôi lạc bước trong bức tranh màu xanh nhiều sắc độ. Một cảm giác hoang sơ xâm chiếm.

Loay hoay hơn 30 phút chúng tôi cũng tìm được nơi lý tưởng dựng lều. Túp lều nhỏ của chúng tôi được mọc lên giữa bao la bạt ngàn cây lá. Thiên nhiên giúp chúng tôi cảm giác mình trẻ lại, được tự do, tự tại. Cảm tưởng thế giới xanh này chỉ của riêng chúng tôi.

Càng về đêm khu rừng càng tĩnh mịch và có chút rờn rợn.Tiếng côn trùng rả rích, tiếng rì rầm của nước, lâu lâu chúng tôi lại giật mình vì tiếng “soạt, soạt”, có lẽ có chú thỏ, nhím, hoặc sóc… đang đi kiếm mồi quanh đây nhưng căng mắt tìm hoài thì chả thấy bóng dáng chúng.

Chúng tôi gom ít củi và lá khô nhóm “lửa trại” vừa để giữ ấm vừa để vơi bớt nỗi sợ hãi ở khu rừng vắng vẻ. Lúc chiều tôi có hái mấy quả rau danh (người đồng bào gọi là rau zut), quả này nhìn như quả xoan màu xanh, lúc chín chuyển qua màu đỏ, nướng ăn thì tuyệt cú mèo. Tôi biết “chiêu” này vì có lần đi thực tập được một người dân tộc bản địa bày cho. Hai chúng tôi ăn hết chừng 40-50 quả, sau đó thì ngắm trời, ngắm mây cho đến tận gần 3 giờ sáng mới chui vào lều ngủ.

Quả rau danh làm chúng tôi ngủ say hơn vì rau này ăn nhiều sẽ say như say rượu. Có lẽ quả của nó cũng có tác dụng làm say, do đó chúng tôi ngủ một mạch tới tận 9 giờ sáng.

9 giờ sáng, không khí trong lành của buổi sớm vẫn còn. Lúc này đồi thông đã hết ngái ngủ, đang vẫy tay đón nắng buổi sáng. Chúng tôi tìm một khoảng đất trống, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn mặt trời vàng rực một góc trời. Trước mặt là những giọt sương sớm đang khô dần trên những chiếc lá.

Về lại thành phố, thực ra trong tôi không ấn tượng lắm với cái lãnh địa gọi là “khỉ ho cò gáy” mà tôi ấn tượng bởi lần đầu tiên tôi ngủ đêm trong rừng. Thì ra ngủ ở rừng cũng thú vị lắm, sẽ cho ta thêm một kinh nghiệm khi lưu lạc ở chốn rừng hoang và cho thêm chút gia vị để cuộc sống đậm đà hơn.

Với tôi, “khỉ ho cò gáy” có lẽ hợp với một nhóm bạn ưa picnic, phiêu lưu, cắm trại giữa rừng hơn là điểm du lịch dành cho gia đình hay đôi lứa yêu nhau.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tết vào rừng cùng con

Tết vào rừng cùng con

(PL)- Quanh Sài Gòn có rất nhiều khu vực phù hợp cho những chuyến picnic gia đình trong 1-2 đêm. 
Thử một lần tới Mông Cổ

Thử một lần tới Mông Cổ

(PL)- Người Mông Cổ sống tự do tự tại và hào sảng, mang đậm chất du mục. Bao hồi ức của cái thời là vua của một đế chế rộng lớn khắp Á, Âu như những thước phim quay chậm ùa về.