Hiện nhiệt độ ở các xã Nam Ngoi, Mường Lống, Nậm Cắn, Tây Sơn... (huyện miền núi Kỳ Sơn) xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã xuống 0 độ C và -1 độ C khiến nhiều vùng núi đã đóng băng. Cốc nước nguội của bà con dân bản nơi đây cũng đã đóng băng.
Nhiều người đang "phượt" lên xã Mường Lống - vốn được ví như có một Đà Lạt ở xứ Nghệ, để chiêm ngưỡng băng giá và hoa đào nở. Tuy nhiên, bà con nhân dân miền núi Nghệ An đang lo lắng bởi trời quá rét và xuất hiện băng giá khiến hoa đào không nở đúng dịp tết, hư hỏng hoa màu và nguy cơ trâu, bò chết.
Ông Lầu Giống Cải (nguyên chủ tịch UBND xã Mường Lống) nói trong lo lắng: "Trời rét lắm lại có băng giá nữa khiến các sinh hoạt, trồng trọt bị đảo lộn. Hôm nay, chúng tôi sang vùng biên giới giới Lào-Việt để chặt cành đào về phục vụ thị trường ngày tết sắp tới nhưng trời rét quá xe không đi được nên đành trở về. Bà con dân bản chúng tôi đang rất lo lắng, mong băng giá sớm chấm dứt".
Băng đóng trên cành cây ở xã Mường Lống (huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An) vào chiều tối 24-1. Ảnh: Biện Hải
Băng đóng trên cành cây ở xã Mường Lống (huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An) vào chiều tối 24-1. Ảnh: Biện Hải
Trong khi đó, người dân miền núi tỉnh Nghệ An vốn khó khăn, thiếu thốn, nhiều hộ đang thiếu đói. Hiện tỉnh Nghệ An đang phân bổ 3.600 tấn gạo (Chính phủ cấp) cứu đói dịp tết Bính Thân 2016 cho hơn 70.000 hộ dân (241 nhân khẩu) ở các huyện miền núi và nông thôn trên địa bàn. Trong đó, huyện miền núi Kỳ Sơn có hơn 6.900 hộ, huyện miền núi Quế Phong hơn 6.500 hộ. Mỗi người được cấp 15 kg.
Người dân miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) phải nhóm lửa chống rét. Ảnh: Đắc Lam
Do rời quá rét, chiều 24-1, các Phòng GD&ĐT TP Vinh, huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông đã có thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học vào ngày thứ 2 (25-1).
Hiện Phòng NN&PTNT các huyện miền núi Nghệ An đang cùng các xã hướng dẫn người dân che gió, ủ ấm cho các đàn gia súc, gia cầm nhất là trâu, bò tránh bị chết rét.