Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Thần sét), khoảng 18 giờ 30 ngày 18-8, Hà Nội xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật khiến một số tuyến phố ngập, cây đổ. Nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc. CSGT và thanh tra giao thông đã khuyến cáo người dân không nên lưu thông qua các đoạn đường hút gió, cầu vượt sông như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân…
Bắt đầu từ 17 giờ cùng ngày, Hải Phòng tạm đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa (bao gồm các tuyến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa nội địa, phà vượt biển, vượt sông). Các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông cũng phải tạm dừng hoạt động.
Tỉnh Thái Bình cũng đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương tạm thời hoãn, hủy các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng, chống bão đổ bộ.
Các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời tăng cường theo dõi diễn biến lũ trên các sông Hoàng Long, Lạng, Bôi, Đáy.
Chiều tối 18-8, Nghệ An có mưa nhỏ ở một số khu vực. Ở các huyện ven biển, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm, vùng nguy hiểm...
Hầu như tất cả phương tiện tàu thuyền của ngư dân tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình... đã tìm được nơi tránh trú bão an toàn.
• Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều 19-8.
Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14. Những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa 200-300 mm, có nơi trên 500 mm; xuất hiện lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại những nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.
Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng vẫn tiếp tục mạnh thêm và diễn biến còn phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các bộ TN&MT, TT&TT, Công an, Công Thương, GTVT, NN&PTNT, Xây dựng, GD&ĐT và các tỉnh, thành kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả. Các nơi không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cấm tàu thuyền ra khơi, tổ chức sơ tán, di dời dân cư, các nhà yếu có nguy cơ sập đổ đến nơi an toàn, hoàn thành trước 8 giờ ngày 19-8. Các tỉnh trung du, miền núi ứng phó, di dời dân ra khỏi nơi có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng khi có mưa lũ.
• Trong sáng 18-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với 28 tỉnh, thành từ Nghệ An trở ra để kiểm tra các phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3.
• Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có công điện gửi các đơn vị trong ngành, yêu cầu các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuẩn bị phương tiện, thiết bị, nhân lực sẵn sàng, chủ động cứu hộ, cứu nạn và sơ tán người, tài sản khi có lệnh ứng cứu. Các đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay…