Sáng nay (18-8), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với 28 tỉnh, TP từ Nghệ An trở ra để kiểm tra các phương án chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 (Thần Sét). Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn, đây là cơn bão có mức ảnh hưởng rộng, gây mưa lớn.
Tại cuộc họp khẩn, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo khi bão đổ bộ vào Việt Nam ít nhất sẽ đạt cấp 9, có thể lên tới cấp 10-11, gió giật cấp 12-13. Khu vực ven biển Bắc Bộ có mưa lớn từ đêm 18-8.
Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, vào sáng mai (19-8), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển và khoảng 12 trưa cùng ngày bão sẽ vào đến bờ.
Do ảnh hưởng của bão Thần Sét, khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa lớn ở nhiều nơi, với lượng mưa khoảng 200-300 mm, bão vào kết hợp với thủy triều dâng sẽ tạo ra sóng cao 3-5 m, ảnh hưởng tới hệ thống đê biển. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với bộ ngành, địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 3. Ảnh: Xuân Tuyến
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết cần rút kinh nghiệm khu vực neo đậu, vì cơn bão số 1 đã làm chìm 1.300 tàu đã được neo đậu ở gần bờ. Cho đến nay, toàn bộ hơn 36.000 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu, trên biển còn hơn 3.000 tàu thuyền nhưng đã được thông báo và đang di chuyển vào nơi tránh trú.
Tại cuộc họp khẩn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an đảm bảo giao thông khi mưa lũ xảy ra. Bộ NN&PTNT quản lý hệ thống công trình, chống ngập, bảo vệ sản xuất. Bộ Công Thương đảm bảo điện để tiêu nước, phục vụ dân sinh, chủ động đảm bảo an toàn cho bãi than, hầm lò.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa lưu ý các địa phương phải khẩn trương kiểm tra cụ thể, rà soát trước, để khi bão tới có phương án giải quyết. Quyết liệt di dời người dân ra khỏi các nơi nguy hiểm, không để thiệt hại lớn xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Đây là cơn bão có thời gian hình thành, hoạt động khá dài trên biển, diễn tiến khó lường, sẽ tác động từ Bắc Trung Bộ trở ra, đây cũng là vùng đã chịu tổn thất khá lớn do bão số 1 và 2 gây ra”.
Bão Thần Sét trực tiếp ảnh hưởng đến 28 tỉnh. Ảnh: NCHMF
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay nền đất ở 14 tỉnh phía Bắc bị ngâm nước nhiều trong các đợt mưa vừa qua nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Bão vào đúng lúc triều cường dâng cao, đe dọa các tuyến đê xung yếu. Do vậy, ông Cường đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia bám sát tình hình, đưa ra những cảnh báo kịp thời để các địa phương có căn cứ chuẩn bị ứng phó.
“An toàn cho người dân là trên hết, do vậy cần nghiêm túc cấm biển, có phương án với 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực miền núi phía Bắc. Kịch bản khắc phục sau mưa bão cũng phải được chuẩn bị kỹ ngay trong chiều nay (18-8)" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.
Tại buổi họp khẩn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho các bộ và các địa phương theo dõi sát cơn bão, đưa ra các cảnh báo kịp thời. Các đơn vị thông tin tăng thời lượng phát sóng, bản tin về bão số 3.
Bộ NN&PTNT rà soát, kiểm đếm lại các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là những khu vực nguy hiểm, đưa tàu vào trú an toàn. Bộ GTVT đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu đúng kỹ thuật, bảo vệ đường giao thông. Bộ GD&ĐT có phương án cho học sinh nghỉ học nếu mưa bão lớn xảy ra.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó khi bão vào bờ với phương châm "bốn tại chỗ", chủ động cho học sinh nghỉ học nếu mưa bão lớn xảy ra, quản lý học sinh, không để các em đi vớt củi, gỗ.