Chiều tối 18-8, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2016.
Sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão Thần sét sẽ tiếp tục mạnh thêm, di chuyển nhanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển nước ta vào trưa, chiều 19-8.
Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 14. Những ngày tới có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa 200-300 mm, có nơi trên 500 mm; lũ trên hệ thống sông tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, nhất là tại những nơi đã bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.
Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ vào thời điểm triều cường, phạm vi ảnh hưởng rộng và vẫn tiếp tục mạnh thêm, diễn biến còn phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề phòng sau khi bão đổ bộ vào bờ có thể tiếp tục duy trì gió mạnh trong thời gian dài và vào sâu trong đất liền. Các nơi phải chủ động phòng tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh tư tưởng chủ quan.
Bão Thần sét giật cấp 14, gây mưa lớn trên diện rộng ở 28 tỉnh, TP phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Ảnh: NCHMF
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ TN&MT, TT&TT, Công an, Công Thương, GTVT, NN&PTNT, Xây dựng, GD&ĐT và các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng trong việc ứng phó với cơn bão số 3. Triển khai các biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả, không để bị động bất ngờ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Bộ GD&ĐT căn cứ tình hình diễn biến của bão, mưa lũ cụ thể từng địa phương để có phương án quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các khu vực bão đổ bộ trực tiếp và mưa lũ lớn.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cấm tàu thuyền ra khơi, sử dụng mọi biện pháp thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra, không đi vào vùng nguy hiểm, tổ chức sơ tán, di dời dân cư, các nhà yếu có nguy cơ sập đổ đến nơi an toàn, hoàn thành trước 8 giờ ngày 19-8.
Các tỉnh trung du, miền núi ứng phó, di dời dân ra khỏi nơi nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng khi có mưa lũ, chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài.
Hà Nội ngập lụt sau cơn mưa kéo dài Cơn mưa lớn kéo dài khoảng 18 giờ đến 19 giờ tối nay (18-8) sẽ gây lụt nhiều tuyến phố tại Hà Nội trong khoảng 1-2 giờ tới (tức là gần 20 giờ đến 21 giờ cùng ngày). Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa cho biết khu vực các quận trung tâm TP sẽ tiếp tục có mưa. Đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố nội thành Hà Nội lụt từ 0,1 m đến 0,3 m. Các địa điểm xảy ra ngập lụt là đường Hoàng Mai, Định Công, Bến xe phía Nam (Giải Phóng), Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Thụy Khê, Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội), Nguyễn Khuyến, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát, Đội Cấn,… |