Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) vừa công bố kết quả triển khai ngăn chặn cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng.
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, trong thời gian qua tình trạng cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác), gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng (đặc biệt là đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn - Robocall).
Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh….
Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ rao bán nhà đất...Ảnh V.THỊNH
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) trong tháng 7 và tháng 8-2020 đã thực hiện ngăn chặn 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng).
Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8-2020, Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp viễn thông triển khai ngăn chặn cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng hiệu quả nhất thông qua phát hiện và ngăn chặn 16.399 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (chiếm gần 90% tổng số thuê bao bị ngăn chặn).
Qua đó đã thể hiện cam kết của Tập đoàn Viettel trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Qua báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ khách hàng phản hồi tin nhắn USSD của nhà mạng để xác thực sau khi nhận cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác rất thấp (trung bình 5%).
Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ phản hồi của khách hàng, do đó rất cần sử dụng ủng hộ của người dùng đối với biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của các khách hàng nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi tạo cuộc gọi rác.