Biểu lãi suất tiết kiệm tại VPBank vừa điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn với mức tăng từ 0,1-0,5%/năm.
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-11 tháng tại ngân hàng này tăng 0,4%/năm so với trước, dao động từ 5,2-6,2%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 12 tháng chỉ tăng 0,1%/năm lên cao nhất là 6,5%/năm. Nếu khách hàng chọn kênh gửi tiền online và số dư tiền gửi từ 50 tỉ trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất là 6,7%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Mặc dù không thay đổi lãi suất so với tháng trước, nhưng biểu lãi suất huy động tại ngân hàng SCB vẫn được xem là hấp dẫn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-5 tháng được SCB công bố ở mức 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất là 6%/năm. Đối với kỳ hạn từ 7-11 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất dao động từ 6,3-6,7%/năm. Nếu chọn kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng cùng áp dụng mức lãi suất là 7,3%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm online, SCB áp dụng lãi suất tiết kiệm cao hơn so với gửi tại quầy ở một số kỳ hạn.
Chẳng hạn, gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng là 7,45%/năm, cao hơn so với hình thức gửi tại quầy cùng kỳ hạn là 0,15%/năm. Với các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng, khách hàng khi gửi online tại SCB sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 7,55%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang được ghi nhận hiện nay.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng có mức lãi suất gửi tiền kỳ hạn 12 tháng khá hấp dẫn như: SHB (6,2%), ACB (6,1%), ngân hàng Kiên Long (6,5%)...
Riêng ở nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV dù lãi suất đã được điều chỉnh tăng nhẹ nhưng vẫn rất thấp. Chẳng hạn, kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank là 5,6%/năm, còn các kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng đều được Vietcombank áp dụng chung mức lãi suất là 5,4%/năm.
Trong khi đó cả 3 ngân hàng là Vietinbank, Agribank và BIDV cùng áp dụng chung mức lãi suất là 5,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. So sánh sự chênh lệch giữa lãi suất cao nhất và lãi suất thấp nhất, có thể thấy khoảng cách này đang chênh nhau đến 0,7%.
Cũng từ đầu tháng 8 này, các ngân hàng chính thức triển khai cho khách hàng rút tiền gửi một phần trước hạn theo Thông tư số 04/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu về tài chính, rút trước hạn một phần tiền gửi, các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của ngân hàng. Số tiền còn lại, sẽ áp dụng mức lãi suất có kỳ hạn như thỏa thuận tại ngày gửi tiền.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5-2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 11,37 triệu tỉ đồng, tăng hơn 430.000 tỉ đồng (tăng 3,93%) so với cuối năm ngoái.
Gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân trong bối cảnh kênh đầu tư như chứng khoán trồi sụt bất thường, còn thanh khoản trên thị trường bất động sản lại quá trầm lắng.