Xuất khẩu 'say sóng' vì... cước tàu vận chuyển tăng sốc

(PLO)- Giá cước tàu vận chuyển đường biển tăng gấp 2 -3 lần so với quý I-2024, khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu chóng mặt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, từ đầu tháng 6-2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ có xu hướng tăng mạnh; chỉ số container thế giới tăng 12%, lên mức bình quân 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.

Chia sẻ với PLO, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, giá cước tàu vận chuyển đường biển biến động theo từng tuần, thay vì từng tháng như trước. Điều này khiến tình hình xuất khẩu vừa mới tươi sáng trở lại thì bị "say sóng", chao đảo.

Cước vận tải ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám Đốc công ty Vina T&T Group cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp 2 lần so với hồi quý I-2024.

Đơn cử như hiện nay cước hàng đi từ TP.HCM đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên 7.000 USD, trong khi hồi đầu năm, giá cước chỉ neo ở mức hơn 3.000 USD.

“Giá cước tàu tăng, nguồn cung lại thiếu hụt, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp có đơn hàng thường nhật bị “say sóng”- ông Tùng ví von.

Trong báo cáo hoạt động 2023 – 2024, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng đề cập, giá cước vận chuyển là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong 5 tháng đầu năm.

Là doanh nghiệp thường xuyên có hàng xuất khẩu qua Mỹ, EU, ông Doãn Chí Thiên, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cảm thán rằng, chỉ mới đây, vào khoảng tháng 4, giá cước tàu ở mức 4.000 USD thì trưa nay (tức ngày 17-6) đã lên 10.000 USD cho tuyến qua Mỹ, Châu Âu.

Cùng với đó giá cước tàu tăng, mà nguồn cung lại thấp, tình trạng khó book (đặt hàng) tàu tăng cao, nhiều đơn vị dù thân quen nhưng vẫn chưa chốt được vị trí đặt hàng trên container.

"Giá cước tàu tăng, tình trạng container rỗng xuống thấp, giá bán hàng hóa chưa phục hồi hẳn, trong khi doanh nghiệp đang xuất khẩu theo phương thức bên bán chịu chi phí vận chuyển, hải quan khiến cho doanh nghiệp khó lại càng khó hơn trong việc cân đối tài chính"- ông Thiên nói.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản khác cho biết, giá cước sang Trung Quốc đang ổn định, tăng không quá cao, thậm chí bên này còn miễn phí vận chuyển cho container từ Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khi giá vận tải biển đi Tây Âu đã tăng 100% so với thời kỳ thấp điểm, hay như cước tàu sang EU cũng tăng xấp xỉ 60- 70%.

Dữ liệu từ sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata cũng cho thấy, giá cước tuyến TP.HCM đi Mỹ cũng đang tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp xoay sở đủ cách

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Ủy viên BCH Hiệp hội Logistics TP.HCM đồng thời là giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển Thương mại Blue Sea, nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến cho thị trường vận tải biển trở nên nóng bỏng.

cước tàu vận chuyển
Cước tàu vận chuyển đường biển tăng cao, gây áp lực cho doanh nghiệp. Ảnh: THU HÀ

Một phần chính là do hệ quả của khủng hoảng Biển Đỏ, khiến thời gian di chuyển hàng hóa kéo dài, điều này cũng kéo theo số lượng container rỗng cho các tuyến thường nhật trở nên khan hiếm.

Chưa kể tình trạng tắc nghẽn nặng nề tại cảng ở Singapore cũng khiến cho vận tải biển trở nên "bức bối" hơn cả thời COVID-19. Lượng container đang chờ để rời khỏi cảng này quá lớn.

Ông Doãn Chí Thiên, lãnh đạo của Navico cũng đồng tình và cho rằng chính trị giữa Mỹ - Trung cũng thúc đẩy cuộc khủng hoảng này tăng cao.

"Mỹ đang có kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 khiến các nhà xuất khẩu nước này, lẫn các nước khác, đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn.

Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Hiện, Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD"- ông Thiên nói.

Những áp lực này đã khiến các nhà xuất khẩu đang phải tìm cách thảo luận để giảm bớt chi phí cước tàu.

Ông Thiên cho biết, hiện tại Navico đang khẩu theo phương thức DDP (bên bán chịu cước phí vận chuyển và hải quan), chính vì thế phải liên tục đàm phán với đối tác trong việc chia sẻ cước vận chuyển, mỗi bên 50 - 50. Đồng thời đám phán lại thời gian giao hàng, để tránh rủi ro trong hợp đồng đã ký trước đó.

Theo ông Thiên, rất may các đối tác đều san sẻ và chấp thuận các giải pháp trên.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn lại đang nỗ lực tìm cách vận chuyển qua tuyến đường khác như sử dụng đường sắt, đường hàng không.

Ở góc độ Hiệp hội, ông Tuấn khuyến nghị các nhà xuất khẩu cần tìm cách tiết giảm chi phí ở các khâu liên quan tới logistics như xếp, bốc dỡ hàng hóa... Đồng thời cần tăng cường đàm phán với các hãng tàu đối với giá tăng thêm.

Ngoài ra cần nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, thị trường gần, dễ giao hàng như Nhật Bản, Hàn Quốc, thay vì chỉ chú trọng vào châu Âu, Mỹ.

hang -xuat -khau 1.jpg
Do giá cước tàu biển tăng cao, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trái cây...đang nỗ lực tìm cách vận chuyển qua tuyến đường khác như sử dụng đường sắt, đường hàng không. Ảnh: Thu Hà

Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề nghị các Cảng vụ hàng hải phối hợp cùng các chi cục, chủ động tiếp thu ý kiến của hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa về các vấn đề liên quan đến thực hiện quy định niêm yết giá và phụ thu ngoài giá của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển. Từ đó có các đề xuất và giải pháp trước vấn đề cước tàu tăng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm