Điều này cho thấy con số thành tích xuất khẩu của cả nước đang “dựa hơi” các DN FDI, trong khi các DN trong nước lại đang “dậm chân tại chỗ”.
Mảng tối của bức tranh xuất khẩu thuộc về DN trong nước khi những ngành nông lâm thủy sản được coi là chủ lực nhưng từ đầu năm đến nay đã sụt giảm cả chất và lượng, thu hẹp sản xuất.
Trong khi đó, mảng sáng DN FDI lại đang mở rộng “bơm” thêm vốn đầu tư như DN FDI cũ: Samsung, Sony, Toshiba, Coca-Cola… và ngày càng nhiều DN FDI mới tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Những ngành có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mạnh như điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... đều do các DN FDI nắm giữ. Mới đây, các DN FDI sản xuất những sản phẩm thời trang có thương hiệu nổi tiếng của Pháp, Mỹ, Nhật… đang tuyển dụng lao động, tăng năng lực sản xuất. DN FDI đang âm thầm đón đầu các cơ hội làm ăn từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đến.
Nguyên nhân: Chính bản thân DN nội sẽ có đủ lý do như không đủ năng lực cạnh tranh với DN FDI vì yếu hơn về vốn, về kỹ thuật, về thị trường... Đúng, DN nội sản xuất quá manh mún, công suất thấp, chủ yếu gia công, quá phụ thuộc vào những mặt hàng khoáng sản, gia công và nông sản chưa qua chế biến có giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, DN nội đã có sự đổi mới, tận dụng cơ hội sân nhà để tăng năng lực cạnh tranh hay chưa, hay chỉ biết chờ đợi? Mức độ đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu quá thấp nên xuất khẩu chỉ biết phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ chốt chuyên xuất thô. Mang tiếng chế biến xuất khẩu nhưng toàn theo kiểu sơ chế cũng chưa xong, chỉ rửa sạch đất, lột vỏ, phơi khô rồi bán. Và hậu quả của sự chậm đổi mới này là chịu sự chi phối của thị trường thế giới, thiếu tính cạnh tranh, bị ép giá thấp và xuất khẩu tuột dốc.
Nếu hỏi các DN nội phải làm gì lúc này, đa phần đều cho biết duy trì sản xuất, chưa tính lợi nhuận. DN nội đang ngồi nhặt nhạnh từng đồng tiền gia công, họ không thể làm gì khác là cam chịu và chờ đợi tình hình khá hơn.
Phải chăng cơ cấu lại hàng hóa xuất khẩu cũng như thị trường bằng chiến lược dài hạn hơn là những chỉ tiêu mang nặng thành tích? Phải chăng có những chính sách chuyển hướng cơ cấu sản xuất để tăng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thì xuất khẩu đã tăng về lượng lẫn chất bằng chính nội lực DN trong nước? Và cũng cần những cơ chế quản lý hoạt động khu vực FDI để DN ngoại thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
QUANG HUY