Xung đột Israel-Hamas đã chạm điểm uốn?

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas xuất hiện những bước chuyển lớn khi Israel đối mặt áp lực cả trong lẫn ngoài nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc xung đột Israel-Hamas đã kéo dài 6 tháng. Theo Cơ quan Y tế Gaza, cuộc xung đột đã khiến hơn 33.000 người ở Gaza thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Về phía Israel, khoảng 1.200 người thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas vào lãnh thổ Israel và hơn 250 binh sĩ nước này đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột bắt đầu.

Theo tờ The Washington Post, tình hình hiện tại cho thấy xung đột bắt đầu xuất hiện điểm uốn – thời điểm thể hiện bước chuyển mình quan trọng của cuộc chiến.

Hôm 7-4, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết Sư đoàn 98, bao gồm các lực lượng mặt đất đặc biệt, đã “kết thúc nhiệm vụ” ở miền nam Gaza và sẽ rời khỏi vùng đất này “để hồi phục sức lực và chuẩn bị cho các hoạt động trong tương lai”.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ chỉ còn một lữ đoàn ở lại miền nam Gaza, đóng quân trên hành lang phân chia miền bắc và miền nam Gaza.

c-ap24092500238184 (1).webp
Bệnh viện Al-Shifa (bắc Gaza) bị phá hủy do xung đột. Ảnh: AP

Song song với việc rút quân này, Israel đã cho phép mở một số con đường để viện trợ được vào Gaza. Phía Israel cho biết họ đang nỗ lực tăng số lượng xe tải viện trợ được phép vào Gaza.

Hôm 9-4, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo 468 xe tải viện trợ đã được “kiểm tra và chuyển đến Gaza” trong ngày. Đây cũng là số lượng xe tải lớn nhất được phép vào Gaza trong một ngày kể từ khi xung đột bắt đầu.

Bên cạnh tình hình tại Gaza, các cuộc đàm phán ngừng bắn cũng đang được tiến hành ở Cairo (Ai Cập). Tại đây, các quan chức Ai Cập bày tỏ sự lạc quan về tương lai thỏa thuận thả con tin giữa Hamas và Israel. Ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz cho biết các cuộc đàm phán đang ở "thời điểm quan trọng", trong khi Hamas cho biết họ sẽ "xem xét các đề xuất".

Áp lực dẫn đến thay đổi

Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh áp lực quốc tế tác động mạnh lên Israel. Theo The Washington Post, Israel đang phải đối mặt phản ứng quốc tế mạnh nhất trong nhiều thập niên. Những phản ứng quốc tế này thêm gay gắt sau khi “sai lầm” của lực lượng Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng hồi đầu tháng 4.

Trong khi đó, về phía Mỹ – đồng minh thân thiết của Israel, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi các bên trong xung đột ngừng bắn và kêu gọi Israel nên cho phép thêm viện trợ vào Gaza. Phía Mỹ cũng phản đối kế hoạch của Israel về việc tấn công TP Rafah (nam Gaza) – nơi được cho là thành trì cuối cùng của Hamas.

Tổng thống Biden cảnh báo Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu rằng Israel có thể mất sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc xung đột này, trừ khi Israel thay đổi hướng đi trong cuộc xung đột.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10-4, ông Biden cho rằng Israel vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mà Mỹ yêu cầu. “Chúng tôi sẽ quan sát ông [Netanyahu] làm gì, trong việc đáp ứng những cam kết mà ông ấy đã đưa ra với tôi” – ông Biden nói.

Các quan chức Mỹ coi những thay đổi trong chính sách của Israel là dấu hiệu cho thấy những cảnh báo Mỹ đưa ra đã đạt được kết quả.

Israel.webp
Binh sĩ Israel. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng áp lực mà Mỹ đặt lên Israel đang có hiệu quả.

“Rõ ràng nó đã có tác dụng. Chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi trong hành vi và chúng tôi ghi nhận nhiều viện trợ nhân đạo hơn được đưa tới Gaza. Hy vọng xu hướng đó sẽ tiếp tục” – ông Austin nói.

Tuy nhiên, Israel vẫn còn mối lo khác, đó là dòng cung vũ khí của họ có thể bị hạn chế. Mỹ và Đức đang đối mặt lời kêu gọi ngừng hoặc hạn chế bán vũ khí cho Israel. Theo phân tích được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố vào tháng 3, Đức và Mỹ đã cung cấp khoảng 99% tổng số vũ khí nhập khẩu của Israel từ năm 2019 đến năm 2023.

Trong khi đó, ông Netanyahu phải đối mặt áp lực lớn trong nước khi nhiều người dân kêu gọi sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. The Washington Post dẫn một nguồn tin Israel rằng ông Netanyahu “thực sự cần phải đạt được một thành tựu quan trọng, thông qua việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin”, để giúp tình hình trong nước ổn định hơn.

Kết quả chưa rõ ràng

Tuy nhiên, những thay đổi trên của Israel vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng. Các yếu tố quan trọng nhất trong cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết.

Ông Netanyahu và các quan chức Israel nói rằng chiến thắng hoàn toàn Hamas vẫn là mục tiêu cuối cùng của họ. Trong khi đó, Israel vẫn đang lên kế hoạch tấn công vào Rafah, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh khác.

Ở Gaza, người dân hiện có thể trở về nhà sau khi lực lượng Israel rút quân. Tuy nhiên, họ đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi những ngôi nhà cũ của họ bị hư hại đến nỗi không thể ở, trong khi nơi ẩn náu tạm thời của họ thì không an toàn.

2024-03-17t174606z-1664372610-rc2mn6aqdfz3-rtrmadp-3-israel-palestinians-hostages.webp
Người dân tuần hành ở Tel Aviv (Israel) kêu gọi các bên đạt thỏa thuận thả con tin. Ảnh: REUTERS

Trên thực tế, Israel cũng ở trong tình trạng khó khăn, khi họ vẫn chưa chắn chắn về kết quả của kế hoạch tấn công Rafah và không biết các con tin bị Hamas giữ sống chết ra sao. Các nhà phân tích lo ngại Israel sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản ở Gaza.

Ngay cả khi tuyên bố giành chiến thắng một phần tại Gaza vào ngày 10-4, Bộ trưởng nội các thời chiến Israel – ông Benny Gantz dường như cũng thừa nhận chưa biết chắc tương lai của cuộc chiến này.

“Cuộc chiến với Hamas sẽ mất thời gian. Thanh niên ở trường trung học một ngày nào đó sẽ chiến đấu ở Dải Gaza và chống lại Lebanon” – ông Gantz nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm