Xung đột Israel - Hamas kéo dài đến ngày thứ 17 và đã xuất hiện nhiều diễn biến lan rộng ra Trung Đông. Thực tế leo thang này là sự cản trở lớn với nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm hòa bình.
Loạt diễn biến leo thang
Những ngày qua, Israel liên tục không kích Dải Gaza, với hàng trăm mục tiêu mỗi ngày. Số người chết ở Dải Gaza và cả Bờ Tây lên gần 4.500, trong đó có khoảng 1.700 trẻ em, gần 15.000 người bị thương.
Phía Israel, theo lời một tình nguyện viên tìm kiếm cứu hộ nói với đài CNN thì ngoài số hơn 1.400 người chết và hơn 5.000 người bị thương, hiện gần biên giới Israel - Dải Gaza vẫn còn hàng chục thi thể chết trong vụ tấn công ngày 7-10 của Hamas, mà họ chưa quy tập được vì nguy hiểm giao tranh.
Tại biên giới Israel - Lebanon, hầu như hằng ngày Lực lượng Phòng vệ Israel và các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Lebanon, trong đó có Hezbollah tấn công “ăn miếng trả miếng” bằng rocket và tên lửa. Nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức đã khuyến cáo công dân rời Lebanon.
“Chúng tôi kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức để tránh gây thêm thương vong về người và kêu gọi tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tạo ra các hành lang nhân đạo an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở” - tuyên bố ngày 20-10 của bộ trưởng ngoại giao 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Làn sóng biểu tình “Ngày giận dữ” lan rộng không chỉ các nước Ả Rập mà nhiều nước phương Tây sau vụ BV Baptist Al-Ahli ở Dải Gaza trúng không kích làm khoảng 500 người chết, trở thành mối đe dọa lớn với Israel. Tel Aviv tuần rồi sơ tán nhân viên đại sứ quán ở nhiều nước Ả Rập như ở Ai Cập, Morocco và nhiều nơi khác.
Diễn biến đáng chú ý liên quan đến Mỹ cho thấy những gì giới quan sát lo ngại đã xảy ra. Ngày 19-10, một loạt căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Một tàu chiến Mỹ hoạt động gần Yemen bị gần 20 UAV bao vây. Tàu khu trục USS Carney của Mỹ trên Biển Đỏ đánh chặn nhiều tên lửa hành trình do lực lượng Houthi phóng ở Yemen, mà theo Lầu Năm Góc thì khả năng nhắm vào các mục tiêu ở Israel. Lầu Năm Góc khẳng định rằng Mỹ “sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ lực lượng Mỹ và liên quân trước bất kỳ mối đe dọa nào”.
Sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Mỹ điều hai nhóm tàu sân bay tấn công, số lượng lớn tiêm kích F-35, F-16 và 2.200 thủy quân lục chiến thuộc lực lượng viễn chinh số 26 đến Trung Đông. Mỹ cũng lệnh 2.000 binh sĩ ở các nơi khác sẵn sàng đến Trung Đông.
Nhà Trắng thời điểm này vẫn nói không có ý định đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào thực địa. Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran - Thiếu tướng Mohammad Bagheri cảnh báo Mỹ về hậu quả phức tạp từ việc Mỹ gửi vũ khí tới Israel, theo hãng tin nhà nước Iran Tasnim.
Nỗ lực hòa bình ngày càng khó
Song song diễn biến xung đột, các nỗ lực ngoại giao cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Giới quan sát và cộng đồng quốc tế đã rất kỳ vọng vào nỗ lực của Mỹ - chuyến công du con thoi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Đông, trong đó có hai lần đến Israel và đặc biệt chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến khu vực ngay sau đó.
Trước chuyến đi của ông Biden, giới quan sát kỳ vọng việc một tổng thống Mỹ đến khu vực đang diễn ra chiến sự sẽ mang lại hiệu quả hạ nhiệt xung đột, tuy nhiên vụ BV Baptist Al-Ahli trên Dải Gaza trúng không kích tối 17-10 đã làm phức tạp nỗ lực của Mỹ và ông Biden. Lịch thượng đỉnh giữa ông Biden với lãnh đạo ba nước Ả Rập là Jordan, Ai Cập, Palestine bị hủy sau vụ việc. Ông Biden chỉ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv.
Ở khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) những ngày qua liên tục họp bỏ phiếu các dự thảo nghị quyết liên quan xung đột Israel - Hamas nhưng không thể thông qua được nghị quyết nào.
Ngày 16-10, HĐBA không thông qua được dự thảo nghị quyết do Nga trình, lên án bạo lực chống lại dân thường, kêu gọi các bên ngừng bắn, thả con tin, mở đường cho viện trợ nhân đạo và sơ tán an toàn dân thường. Lý do dự thảo nhận tới ba phiếu phủ quyết từ Mỹ, Anh, Pháp.
Ngày 18-10, HĐBA bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Brazil trình, kêu gọi tạm dừng giao tranh giữa Israel và Hamas, cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza nhưng cũng không thông qua được do Mỹ phủ quyết với lý do “không đề cập quyền tự vệ của Israel”. Với các diễn biến leo thang từ thực địa thì khả năng LHQ sẽ càng khó thống nhất và hành động hơn.
Tăng tốc hơn nữa
Viễn cảnh Israel đổ bộ sang Dải Gaza ngày càng rõ. Theo tờ Jerusalem Post, những ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thường xuyên đến biên giới với Dải Gaza theo dõi khả năng sẵn sàng của lực lượng Israel trước khả năng đổ bộ Gaza.
Nếu điều này xảy ra sẽ là bước ngoặt nguy hiểm của cuộc chiến với tổn thất khó đong đếm ở cả hai bên. Một thành viên cấp cao nội các thời chiến của Israel nhận định xung đột sẽ khó kết thúc nhanh và nguy cơ lan rộng hoàn toàn có thể xảy ra. Sự ủng hộ của Iran với Hamas sẽ tăng, không loại trừ khả năng Hezbollah ở Lebanon và các nhóm chiến binh ở Syria sẽ tăng tấn công Israel để “chia lửa” cho Hamas.
Trong bối cảnh này, cộng đồng quốc tế tăng tốc nỗ lực ngăn viễn cảnh xung đột lan rộng nguy hiểm. Ngày 21-10, tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Ai Cập, các lãnh đạo Ả Rập lên án chuyện Israel ném bom Dải Gaza cả hai tuần, yêu cầu cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nhằm đạt được giải pháp hòa bình ở Trung Đông, chấm dứt bạo lực kéo dài giữa người Israel và người Palestine.
Nga và Trung Quốc (TQ) tăng tốc ngoại giao nhằm giải quyết xung đột, với hàng loạt cuộc gặp của các lãnh đạo, quan chức cấp cao hai bên. Hai nước sẵn sàng phối hợp đưa các bên ngồi vào đàm phán hòa bình. TQ đang liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan trong cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt giao tranh.•
Viện trợ bắt đầu vào Dải Gaza nhưng chưa thấm vào đâu
Cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Dải Gaza được mở thời gian ngắn trong ngày 21-10 để đoàn xe tải chở hàng viện trợ tiếp cận Gaza sau nhiều ngày bị kẹt tại biên giới và đóng trở lại sau khi đoàn xe rời đi, theo CNN.
Đoàn xe gồm 13 xe chở thuốc và vật tư y tế, năm xe chở thực phẩm và hai xe chở nước, không có nhiên liệu - thứ đang dần cạn kiệt ở Gaza. Bộ Y tế Palestine tại Gaza tính rằng lượng viện trợ này “chỉ chiếm 3% nhu cầu nhân đạo và y tế hằng ngày đã từng vào Dải Gaza trước khi xung đột bùng phát”. LHQ cũng cho rằng lượng viện trợ nhỏ giọt này không đủ để kiểm soát tình hình nhân đạo đang xấu đi, cần cả 100 xe tải mỗi ngày mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở Gaza.
Hamas nói rằng lượng viện trợ ít ỏi này “không thể thay đổi tình hình thảm họa nhân đạo mà Dải Gaza đang trải qua”. Hamas kêu gọi “thiết lập một hành lang an toàn hoạt động suốt ngày đêm để cung cấp các nhu cầu nhân đạo”, “mở vĩnh viễn cửa khẩu Rafah” tạo điều kiện sơ tán người bị thương khỏi Gaza. Tính đến cuối tuần rồi có bảy bệnh viện và 25 trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Gaza ngừng hoạt động.