Xung đột Nga-Ukraine làm xe tăng hạng nhẹ ‘hot’ trở lại

(PLO)- Bài học từ xung đột Nga-Ukraine với nhiều quốc gia: Xe tăng vẫn là một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại dù có thể chịu tổn thất khá lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến lớn đầu tiên giữa các quân đội hiện đại trong nhiều thập niên, nhiều quốc gia đang phân tích mọi khía cạnh của cuộc xung đột nhằm huấn luyện và trang bị tốt hơn cho quân đội của mình.

Theo trang Business Insider, một trong những bài học lớn nhất đó là: Xe tăng vẫn là một phần quan trọng của chiến tranh hiện đại dù có thể chịu tổn thất khá lớn. Bằng chứng là Nga hiện có kế hoạch tăng cường sản xuất phương tiện này còn Ukraine thì đang tìm mọi cách để có được xe tăng do phương Tây sản xuất.

Xe tăng hạng nhẹ

Xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee của quân đội Mỹ trên đường phố Ý vào tháng 4-1945. Ảnh: GETTY IMAGES

Xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee của quân đội Mỹ trên đường phố Ý vào tháng 4-1945. Ảnh: GETTY IMAGES

Những nỗ lực của phương Tây nhằm đưa xe tăng và các phương tiện bọc thép khác đến Ukraine đã thu hút nhiều sự chú ý hơn vào xe tăng hạng nhẹ - loại xe tăng gần như không còn được ưa chuộng sau Thế chiến II.

Mặc dù không mạnh mẽ và chắc chắn như xe tăng chiến đấu chủ lực, xe tăng hạng nhẹ hiện được coi là phương tiện lấp đầy khoảng cách về năng lực giữa xe tăng chủ lực và xe chiến đấu bộ binh.

Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, một số quốc gia đã đầu tư vào xe tăng hạng nhẹ để tăng cường lực lượng thiết giáp, đề phòng khả năng xảy ra giao tranh.

Thuật ngữ “xe tăng hạng nhẹ” xuất hiện khi các cường quốc quân sự vẫn đang xây dựng học thuyết xe tăng vào đầu thế kỷ 20.

Thời điểm đó, vai trò của xe tăng là chủ đề gây tranh cãi. Thiết kế của xe tăng chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: tính cơ động, vỏ giáp và hỏa lực. Xe tăng hạng nhẹ tập trung vào tính cơ động nên nhỏ hơn, vỏ giáp nhẹ hơn và hỏa lực kém hơn.

Trong khi xe tăng hạng nặng và hạng trung chủ yếu sử dụng trong chiến đấu trực tiếp chống lại thiết giáp và tường thành của đối phương, thì xe tăng hạng nhẹ được dùng để đối đầu với bộ binh và các loại thiết giáp hạng nhẹ khác.

Bên cạnh đó, xe tăng hạng nhẹ được sử dụng để giám sát lực lượng địch, sàng lọc quân đồng minh, trinh sát bọc thép cũng như hỗ trợ hỏa lực.

Vào giữa Thế chiến II, xe tăng chủ yếu được phân loại thành hạng nặng, hạng trung hoặc nhẹ. Các loại cụ thể khác, chẳng hạn như pháo tự hành chống tăng (Tank destroyer),… đã bị loại bỏ dần sau chiến tranh.

Trong Chiến tranh Lạnh, quân đội các nước tiếp tục phát triển xe tăng hạng nhẹ. Tuy nhiên, các dòng xe tăng hạng nhẹ trở nên ít phổ biến hơn vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt là khi các phương tiện chiến đấu bộ binh ngày càng rẻ và linh hoạt hơn.

Sự thay đổi đó đã tạo ra khoảng cách giữa xe tăng chiến đấu chủ lực, như M1 Abrams, với xe chiến đấu bộ binh như M2 Bradley và xe bọc thép bánh lốp như Stryker.

Nhiều người cho rằng cần phải bổ sung một loại vũ khí có thể hỗ trợ bộ binh hiệu quả trong các môi trường khó khăn như núi, rừng và hải đảo, đồng thời có hỏa lực đủ mạnh để đối phó với boongke, súng máy và xe bọc thép hạng nhẹ.

Vấn đề này làm sống lại các cuộc tranh luận về xe tăng hạng nhẹ bởi vì xe tăng chiến đấu chủ lực không đáng tin cậy trong những môi trường như trên do kích thước quá lớn. Tương tự, xe chiến đấu bộ binh có thể không được trang bị hoặc bọc thép đầy đủ và xe bánh lốp có thể phải vật lộn với địa hình gồ ghề.

Cuộc đua xe tăng hạng nhẹ hiện đại

Xe tăng Type 15 của Trung Quốc tại Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh tháng 10-2022. Ảnh: AFP

Xe tăng Type 15 của Trung Quốc tại Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh tháng 10-2022. Ảnh: AFP

Để giải quyết vấn đề trên, trong một thập niên qua, quân đội nhiều nước đã tập trung phát triển xe tăng hạng nhẹ mới.

Một trong những xe tăng hạng nhẹ nổi tiếng nhất là xe tăng Type-15 (hay còn gọi là ZTQ-15) của Trung Quốc. Bắc Kinh chính thức biên chế mẫu xe tăng này cho quân đội vào năm 2018. Hiện có khoảng 500 chiếc Type-15 đang hoạt động.

Khi được bọc giáp đầy đủ, mỗi chiếc Type-15 nặng khoảng 36 tấn, kíp lái gồm 3 người và được trang bị súng 105 mm. Dòng xe này đặc biệt hoạt động tốt trong các môi trường dốc như dãy Himalaya, nơi không khí loãng gây khó khăn cho việc vận hành các xe tăng hạng nặng.

Xe tăng Type 16 của Nhật tập trận bắn đạn thật vào tháng 5-2020. Ảnh: AFP

Xe tăng Type 16 của Nhật tập trận bắn đạn thật vào tháng 5-2020. Ảnh: AFP

Nhật cũng giới thiệu xe tăng hạng nhẹ Type-16 vào năm 2018. Type-16 có tháp pháo giống xe tăng nhưng có bánh lốp thay vì bánh xích, thể hiện ý định chỉ hoạt động trên lãnh thổ Nhật - nơi mạng lưới đường bộ nhìn chung phát triển tốt. Type-16 nặng 26 tấn, chở được 4 người và được trang bị súng trường 105 mm.

Phương tiện này được thiết kế để phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công, đồng thời cung cấp khả năng trinh sát và hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh. Trọng lượng và kích thước của nó vừa với máy bay vận tải Kawasaki C-2 của Nhật. Tính cơ động cao cho phép Type-16 hoạt động ở bất cứ đâu tại Nhật, kể cả các đảo ngoài khơi.

Hiện Tokyo có khoảng 140 chiếc Type-16 và đang lên kế hoạch chế tạo tới 230 chiếc.

Một chiếc xe tăng hạng nhẹ MPF của Mỹ năm 2022. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Một chiếc xe tăng hạng nhẹ MPF của Mỹ năm 2022. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Vào tháng 6-2022, Quân đội Mỹ đã ký với nhà sản xuất các phương tiện quân sự General Dynamics Land Systems (Mỹ) một hợp đồng trị giá 1,14 tỉ USD để sản xuất xe tăng hạng nhẹ MPF (Mobile Protected Firepower - Hỏa lực Thiết giáp Cơ động cao).

Là một phần của chương trình phát triển xe chiến đấu điều khiển từ xa thế hệ mới (Next Generation Combat Vehicle program), MPF cung cấp cho bộ binh một phương tiện có thể phá hủy các công trình và xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương.

MPF nặng khoảng 38 tấn, có kíp lái 4 người và một khẩu súng 105 mm. Phương tiện này có tầm quan sát rộng với các camera ở phía trước, hai bên và phía sau. Nó còn có hệ thống liên lạc bên ngoài để quân đội có thể trò chuyện trực tiếp với đội điều khiển xe. Giống như xe tăng hạng nhẹ Type-15 và Type-16 của Trung Quốc, MPF có thể được gắn thêm giáp bảo vệ nếu cần.

Nhà sản xuất đã bắt đầu lắp ráp những chiếc MPF đầu tiên vào tháng 12-2022 và dự định giao lô hàng đầu tiên vào cuối năm nay. Quân đội Mỹ có kế hoạch mua 504 chiếc trong số này.

Nga cũng không chịu kém cạnh trong cuộc đua này. Moscow đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt xe tăng hạng nhẹ 2S25M Sprut với pháo 125mm tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực mà nước này đã phát triển.

Ấn Độ cũng đang theo đuổi xe tăng hạng nhẹ của riêng mình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm