Nga sẽ mang ‘siêu tăng’ T-14 Armata đến chiến trường Ukraine?

(PLO)- Truyền thông Nga gần đây đưa tin Moscow có kế hoạch triển khai xe tăng T-14 Armata tới Ukraine để chống lại xe tăng chiến đấu Leopard 2A6 của Đức và M1A2 Abrams của Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Truyền thông Nga gần đây đăng tải một số video cho thấy các binh sĩ nước này đang huấn luyện bắn đạn thật với xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhất T-14 Armata. Giới truyền thông đưa tin rằng siêu tăng này sẽ được triển khai tới Ukraine để chống lại xe tăng chiến đấu Leopard 2A6 của Đức và M1A2 Abrams của Mỹ.

Vẫn chưa rõ liệu rằng Moscow có mang T-14 Armata đến chiến trường Ukraine hay không, nhưng vấn đề mà nhiều người bao gồm cả giới quan sát quan tâm chính là sức mạnh thực sự của siêu tăng này.

Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Lịch sử và thông số kỹ thuật

Theo trang 19FortyFive, xe tăng chiến đấu T-14 Armata được thiết kế vào năm 2014 và do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga sản xuất.

Chính phủ Nga đã giới thiệu dòng xe tăng này tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng vào tháng 5-2015.

Tờ The Week khi đó nhận định: “Dự kiến Armata sẽ là trung tâm của lực lượng bộ binh Nga trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Xe tăng này sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến ở cả tấn công và phòng thủ”.

Một trong số các tính năng hiện đại bật nhất của T-14 Armata là công nghệ điện tử chủ động quét tìm mục tiêu. Tính năng này không chỉ giúp tiêu diệt kẻ thù mà còn tăng cường khả năng trinh sát, kiểm soát chuyển động của xe để tự động triển khai hệ thống giáp phản ứng nổ khi cần thiết.

Xe tăng hiện đại nhất của Nga sở hữu hệ thống pháo tự động. Kíp lái 3 người được đặt trong một khoang bọc thép bên trong thân xe giúp tăng khả năng sống sót cho binh sĩ.

T-14 Armata thậm chí còn có một nhà vệ sinh, trang bị nước và lương khô cho các binh sĩ, điều mà hầu hết các xe tăng khác không làm được.

Siêu tăng này được trang bị vũ khí hiện đại, gồm một đại bác chính cỡ nòng 125mm với tầm bắn hiệu quả là 5 km và tầm bắn tối đa 12 km. Ngoài ra còn có súng máy Kord 12,7mm và súng máy tự động PKTM 7.62mm .

Trọng lượng của một chiếc Armata là 55 tấn, chiều dài gần 11 mét, chiều ngang và chiều cao hơn 3m. Tốc độ tối đa 80-90 km/giờ.

Đối đầu với M1 Abrams và Leopard 2

Giới phân tích cho rằng bên cạnh việc thúc đẩy tinh thần của các binh sĩ, sự xuất hiện của siêu tăng T-14 Armata tại chiến trường Ukraine cũng sẽ mang lại cho Nga một đối trọng xứng tầm với xe tăng M1 Abrams của Mỹ và Leopard 2 của Đức.

Cần lưu ý rằng 3 dòng xe tăng này chưa từng đối đầu nhau trên chiến trường.

So với M1 Abrams, Armata có lợi thế về vượt trội về tốc độ khi vận tốc tối đa của xe tăng Mỹ chỉ là 67,5 km/giờ. Ngoài ra, M1 Abrams đã có tuổi đời khá lâu, nên sẽ kém hơn xe tăng Nga ở một số khía cạnh.

Xe tăng T-14 Armata là dòng xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4, trong khi đó Leopard 2 là một trong những xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 3 tốt nhất trên thế giới. Theo trang The National Interest, xét về tổng thể, Leopard 2 có lẽ vượt được T-14 Armata, nhưng xe tăng Đức lại không có loại đạn phù hợp để đánh bại T-14 của Nga.

Điểm yếu của T-14 Armata

Hồi tháng 1, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng chương trình phát triển T-14 Armata của Nga có “sự trì hoãn, giảm quy mô hạm đội so với kế hoạch và có các vấn đề sản xuất”.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, T-14 Armata là một loại xe tăng lớn, cồng kềnh hơn so với nhiều loại xe tăng hiện có của Nga nên dòng xe này sẽ đặt ra các vấn đề hậu cần. Việc triển khai chúng sẽ là một “quyết định rủi ro cao đối với Nga”.

Tình báo Anh cho biết, lực lượng thiết giáp Nga đã công khai nói xe tăng T-14 có vấn đề về động cơ và hệ thống ảnh nhiệt. Các quan chức Nga “không muốn chấp nhận đợt T-14 đầu tiên phân bổ cho họ vì các phương tiện này ở trong tình trạng không tốt”, theo tình báo Anh.

Thêm vào đó, nếu bất kỳ chiếc nào trong số các chiếc T-14 Armata bị phá hủy trên chiến trường Ukraine sẽ ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của vũ khí Nga.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm