Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ý định ban đầu của Nga là thực hiện kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” và Moscow đã đạt được một số lợi thế nhất định. Tuy nhiên, sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine cùng viện trợ ngày càng nhiều từ phương Tây đã khiến Nga không dễ đạt được mục tiêu ban đầu, đẩy cuộc chiến vào thế giằng co, chiến tranh tiêu hao.
Gần đây có nhiều thảo luận sôi nổi xoay quanh khả năng xe tăng chiến đấu phương Tây hay hệ thống phòng không Patriot làm thay đổi cục diện tại chiến trường Ukraine (dù Patriot vẫn chưa được sử dụng ở Ukraine).
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, đây mới là các loại vũ khí đã giúp thay đổi tiến trình cuộc chiến, theo đài CNN.
Tên lửa chống tăng Javelin
Lực lượng Ukraine bắn tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc tập trận vào năm 2022. Ảnh: REUTERS |
Khi xung đột bắt đầu, cả hai bên dự kiến rằng các đoàn xe bọc thép của Nga sẽ tiến vào thủ đô Kiev chỉ trong vài ngày. Vì vậy Ukraine cần một thứ gì có thể chặn các đợt tiến công, và đó là Javelin của Mỹ - tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai có thể chỉ cần một binh sĩ triển khai.
Sức hấp dẫn của Javelin nằm ở chỗ dễ sử dụng. Nhà sản xuất của Javelin - công ty Lockheed Martin giải thích: “Để khai hỏa, xạ thủ đặt con trỏ lên trên mục tiêu. Bộ phận phóng Javelin sẽ gửi tín hiệu khóa trước khi phóng tên lửa”.
Javelin là vũ khí “bắn và quên” hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Người điều khiển có thể tìm chỗ trú ẩn ngay sau khi thực hiện cú bắn trong lúc tên lửa còn đang tìm đường đến mục tiêu.
Điều này đặc biệt quan trọng trong những ngày đầu của xung đột vì quân Nga có xu hướng đi thành hàng khi vào khu vực đô thị. Một người điều khiển Javelin có thể bắn từ một tòa nhà hoặc phía sau một cái cây và biến mất trước khi quân Nga kịp bắn trả.
Theo nhà sản xuất, Javelin cũng rất hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu vào điểm yếu của các xe tăng bởi vì quỹ đạo của nó sau khi phóng sẽ cong lên sau đó rơi xuống mục tiêu từ trên cao.
Với tác động lớn của loại vũ khí này trong cuộc chiến, chỉ 2,5 tháng sau khi được đưa vào sử dụng ở chiến trường Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm nhà máy sản xuất Javelin ở bang Alabama (Mỹ) để hoan nghênh công nhân vì đã giúp bảo vệ Ukraine.
Javelin còn có một lợi thế khác, đó là nó được chấp nhận về mặt chính trị.
Phó GS Michael Armstrong của ĐH Brock ở bang Ontario (Canada) nhận định rằng chi phí thấp và mục đích phòng thủ của Javelin giúp nó dễ dàng hơn về mặt chính trị cho các quốc gia muốn gửi vũ khí.
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)
Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trong cuộc tập trận quân sự ở Latvia, vào ngày 26-9-2022. Ảnh: AFP |
Theo quân đội Mỹ, HIMARS đã được chứng minh về khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian 24/7, phản ứng nhanh và độ sát thương.
Cụ thể, HIMARS là một chiếc xe tải 5 tấn, chở theo một thiết bị có thể phóng 6 quả pháo gần như đồng thời, phóng đầu đạn nổ vượt xa phía sau tiền tuyến, sau đó nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh bị phản công.
Ông Mark Cancian - cố vấn cao cấp cho chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Nếu Javelin là vũ khí mang tính biểu tượng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, HIMARS là vũ khí mang tính biểu tượng của các giai đoạn sau”.
HIMARS bắn loạt đạn được gọi là Hệ thống pháo phản lực phóng loạt dẫn đường (GMLRS) có tầm bắn từ 70-80 km. Hệ thống định vị GPS giúp vũ khí này hoạt động cực kỳ chính xác trong phạm vi khoảng 10 m so với mục tiêu đã định.
Tháng 7-2022, phóng viên Nga Roman Sapenkov cho biết ông đã chứng kiến một cuộc tấn công của HIMARS vào một căn cứ của lực lượng Nga tại sân bay Kherson.
“Tôi đã bị ấn tượng khi toàn bộ 5 hoặc 6 quả pháo đã hạ cánh ở vị trí gần như trên cùng 1 đồng xu” - ông viết.
GS Yagil Henkin tại Trường Chỉ huy và Tham mưu Lực lượng Phòng vệ Israel nhận xét HIMARS có 2 tác động chính tới cuộc chiến. Thứ nhất, sự tấn công từ HIMARS buộc Nga phải di chuyển các kho đạn dược xa hơn về phía sau, do đó làm giảm hỏa lực có sẵn của pháo binh Nga gần tiền tuyến và khiến hỗ trợ hậu cần trở nên khó khăn hơn. Thứ hai, việc sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu như cầu đường làm gián đoạn nỗ lực tiếp tế của Nga.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại buổi diễn tập cho cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Độc lập ở thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 20-8- 2021. Ảnh: AFP |
Dòng máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế - Bayraktar TB2 - đã trở thành một trong những phương tiện trên không nổi tiếng nhất thế giới do hiệu quả của nó trong xung đột Nga-Ukraine.
Bayraktar TB2 tương đối rẻ, được chế tạo bằng các bộ phận có sẵn, tạo ra một “cú đấm” chết người và ghi lại cuộc tấn công của mình qua video.
Các video Bayraktar TB2 ghi lại cho thấy UAV này đã hạ gục thiết giáp, pháo binh và tiếp viện của đối thủ bằng tên lửa, pháo dẫn đường laser và bom thông minh.
Ông Aaron Stein, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (FBRI), viết trên trang web của Hội đồng Atlantic: “Các video lan truyền trên mạng xã hội về TB2 là một ví dụ hoàn hảo của chiến tranh trong kỷ nguyên TikTok”.
Theo ông, Bayraktar TB2 không phải là một vũ khí “ma thuật” nhưng nó “đủ tốt”.
Ông cho rằng điểm yếu của phương tiện này là thiếu tốc độ và dễ bị phòng không phát hiện.
Số liệu thống kê từ chiến trường có vẻ chứng minh điều đó là đúng. Theo trang web về vũ khí Oryx, 17 trong số 40-50 chiếc TB2 mà Ukraine nhận được đã bị phá hủy trong chiến đấu.
Tuy nhiên, ông nói rằng thiệt hại mà chiếc TB2 gây ra cho đối thủ lớn hơn nhiều so với chi phí sản xuất của nó.
Các báo cáo gần đây từ Ukraine cho thấy TB2 có thể đã đóng vai trò hạn chế hơn vì các lực lượng Nga tìm ra cách hóa giải nó, tuy nhiên những người ủng hộ TB2 cho rằng vũ khí này đã xuất hiện trong lúc tình thế của Ukraine bấp bênh nhất.