Theo một dự thảo được Bộ Tài chính Trung Quốc công bố tại cuộc họp quốc hội hôm 5-3, nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, trang trải duy trì các mối quan hệ hữu nghị ở nước ngoài, theo tờ South China Morning Post.
Cụ thể, theo dự thảo, chi tiêu cho quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng 7,2%, lên khoảng 1.550 tỉ nhân dân tệ (224,3 tỉ USD). Năm 2022, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 6,8% (của năm 2021) lên 7,1% và được thống nhất ở mức 1.450 tỉ nhân dân tệ.
![]() |
Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, nơi diễn ra các cuộc họp thường niên của quốc hội. Ảnh: GETTY IMAGES |
“Các lực lượng vũ trang nên tăng cường huấn luyện quân sự và chuẩn bị sẵn sàng trên toàn diện, tăng đào tạo chiến lược quân sự mới, dồn nhiều lực hơn cho việc huấn luyện trong điều kiện chiến đấu và phối hợp tốt để đẩy mạnh công tác quân sự ở mọi hướng và lĩnh vực" - theo báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại quốc hội.
Theo tờ The Financial Times, đây là mức tăng chi tiêu quân sự nhanh nhất trong 4 năm qua của Trung Quốc, và đúng với dự đoán của các nhà phân tích.
Ngân sách do Bộ Tài chính đề xuất cũng bao gồm mức tăng đáng kể 12,2% trong “các nỗ lực ngoại giao” – được chốt ở mức 54,84 tỉ nhân dân tệ, theo South China Morning Post.
Con số này được đưa ra sau khi cả báo cáo ngân sách và báo cáo công việc của chính phủ đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc trong khi tuân thủ chính sách đối ngoại “độc lập” và “hòa bình”.
“Nỗ lực ngoại giao” của Bắc Kinh được đặt ra để tăng cường trao đổi kinh tế và tài chính ở nước ngoài, tham gia quản trị kinh tế quốc tế, mở cửa hơn nữa và thúc đẩy xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Theo dữ liệu chính thức từ Bắc Kinh, đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào các quốc gia thuộc BRI đạt 141,05 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, tăng 7,7% so với năm trước, trong đó Đông Nam Á và Trung Đông là những điểm đến hàng đầu.
Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án BRI đã giảm bớt trong những năm gần đây do lo ngại về nợ nần, đặc biệt là ở vùng châu Phi cận Sahara.