Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong nhóm 12 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ năm 2018. Đứng sau VN là Hàn Quốc với tốc độ tăng 18,4%. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ giảm 13,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Hãng tin này nhận định nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong quý I cho phần còn lại của năm 2019, VN có thể vượt các ông lớn như Pháp, Anh, Ý và Ấn Độ. Qua đó trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ bảy cho nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị dự kiến lên đến gần 69 tỉ USD. Năm ngoái, VN đứng thứ 12 với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ hơn 49,2 tỉ USD.
VN đang hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp thay đổi chuỗi cung ứng để tránh đòn thuế của Mỹ với hàng hóa từ Trung Quốc. Hơn nữa, VN cung cấp nguồn lao động với chi phí thấp, cũng như có môi trường kinh doanh đang được cải thiện, đồng thời đây cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan VN, bốn tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng của VN. Ví dụ dệt may với giá trị 4,42 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; giày dép 2 tỉ USD, tăng 13,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng hơn 54%, đạt 1,3 tỉ USD…
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng HSBC VN vừa có những nhận định về cơ hội và thách thức của khối ASEAN nói chung và VN nói riêng trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ngân hàng này cho rằng do căng thẳng thương mại, ngoài sự dịch chuyển vào ASEAN, các công ty đa quốc gia cũng đang đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng. Ví dụ Samsung chuyển việc sản xuất thiết bị điện tử nhiều hơn vào VN khi hơn một nửa thiết bị di động của tập đoàn Hàn Quốc này hiện nay được lắp đặt tại đây.
HSBC VN cho rằng với mạng lưới sản xuất và cơ sở hạ tầng sẵn có, các quốc gia như VN sẽ hưởng lợi chính trong sự dịch chuyển năng lực sản xuất. Tuy nhiên, để biến tiềm năng chuỗi cung ứng này thành hiện thực, khu vực này cần thể hiện được năng lực của mình trong mắt các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt về khả năng xử lý và thực hiện các đơn hàng sản xuất; cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển cùng các chính sách nâng cao tiếp cận công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính...