Y án tử hình Dương Chí Dũng

Chiều 7-5, HĐXX Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự với các bị cáo Dương Chí Dũng và nhóm cán bộ lãnh đạo của Vinalines. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 359 tỉ đồng.

Nhóm bị cáo là cán bộ hải quan được tòa giảm án từ tám năm xuống còn sáu năm tù đối với mỗi bị cáo và được giảm trách nhiệm dân sự…

Theo Bộ luật Hàng hải, ụ nổi là tàu

Theo tòa, dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng nhưng Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT và Mai Văn Phúc - Tổng Giám đốc Vinalines. Ngoài ra còn có trách nhiệm liên đới của ban quản lý dự án và các phòng, ban tham mưu của Vinalines liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án.

HĐXX cho rằng Điều 11 Bộ luật Hàng hải quy định tàu biển bao gồm tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển. Đây là văn bản pháp luật cao nhất quy định ụ nổi là cấu trúc nổi di động hoạt động trên biển nên ụ nổi là tàu biển. Trên thực tế, hồ sơ pháp lý của ụ nổi 83M cũng được Công ty Nakhodka (chủ sở hữu ụ 83M) đăng ký là tàu biển. Khi đưa về Việt Nam, ụ nổi 83M cũng được Chi cục Hàng hải Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam. Cục Hàng hải Việt Nam cũng xác định ụ nổi 83M là tàu biển…

Bị cáo Dương Chí Dũng trước khi tòa tuyên án. Ảnh: TN

Công ước HS mà các luật sư đưa ra chỉ có ý nghĩa trong việc phân loại hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để áp dụng biểu thuế theo mô tả và mã hóa hàng hóa cụ thể. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hải quan, nó còn phải đáp ứng các điều kiện giới hạn không quá 15 tuổi để được đăng ký tương tự như tàu biển.

Chi cục Hải quan Vân Phong đã chưa căn cứ vào quy định của Bộ luật Hàng hải, Nghị định 49 về đăng ký và mua bán tàu biển để đề xuất xử lý làm rõ điều kiện nhập khẩu của ụ.

Có dấu hiệu lọt người, lọt tội

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không thừa nhận có sự thỏa thuận  việc Công ty AP phải chuyển lại số tiền 1,666 triệu USD cho Vinalines và không nhận tiền ăn chia như lời khai của Trần Hải Sơn. Tuy nhiên, trước khi xử phúc thẩm, ngày 10-4-2014, tại Trại tạm giam T14, Dương Chí Dũng đã có đơn xin nhận tội và sẽ thuyết phục gia đình nộp lại số tiền tham ô 10 tỉ đồng và khắc phục tiếp thiệt hại với tội cố ý làm trái.

Theo tòa, việc Sơn đưa tiền cho Phúc và Dũng từ năm 2008 và đầu năm 2009, đến tháng 5-2012 vụ án mới được phát hiện nên việc Trần Hải Sơn không nhớ rõ chính xác ngày giờ và địa điểm đưa tiền (“lại quả”) cụ thể là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Lời khai của Sơn không chỉ phù hợp với Trần Thị Hải Hà, Trần Thị Hải Huyền… mà còn phù hợp với các tài liệu chứng cứ, kết quả xác minh tại sân bay và diễn biến hành vi của các bị cáo, từ việc cố ý làm trái trong việc mua ụ nổi 83M để có khoản tiền 1,666 triệu USD “lại quả” và thỏa thuận ăn chia số tiền nói trên.

Sau khi vụ án bị phát hiện, Dương Chí Dũng đã có hành vi bỏ trốn ra nước ngoài và bị bắt theo lệnh truy nã. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, hai bị cáo Dũng và Phúc vẫn quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho tập thể, chưa tỏ ra ăn năn hối cải, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và bất chấp dư luận. Do đó, việc áp dụng hình phạt tử hình về tội tham ô và 18 năm tù về tội cố ý làm trái là có căn cứ và thỏa đáng.

Số tiền gia đình các bị cáo Dũng và Phúc đã nộp chỉ bằng 1/3 đến 1/2 số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt và chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng thiệt hại các bị cáo đã gây ra cho Vinalines nên cần phải giữ nguyên án sơ thẩm đối với hai bị cáo Dũng và Phúc.

HĐXX nhận định việc cấp sơ thẩm tuyên Trần Hải Sơn 14 năm tù về tội tham ô là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, cần kiến nghị tăng nặng hình phạt về tội tham ô đối với bị cáo Sơn theo trình tự giám đốc thẩm. Mặt khác, việc không truy tố Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) về việc giúp sức Sơn nhận khoản tiền 1,666 triệu USD (và được Sơn cho 2 tỉ đồng) là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Thiệt hại đặc biệt lớn

Bản án phúc thẩm nhận định: Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn đối với tài sản của Nhà nước. Tính đến ngày khởi tố vụ án (17-5-2012), tổng thiệt hại do các bị cáo gây ra là gần 359 tỉ đồng.

Theo công văn của Bộ GTVT thì dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam không nằm trong đề án tái cơ cấu Vinalines nên dự án này sẽ không tiếp tục thực hiện. Kế hoạch khai thác ụ nổi 83M không còn phù hợp với mô hình tái cấu trúc mới nên Bộ đã đồng ý cho Vinalines thanh lý ụ. Kết quả xác minh và trình bày của đại diện Vinalines tại tòa xác nhận ụ 83M được neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai) gần ba năm nay không được bảo dưỡng, sửa chữa. Vinalines đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có cả phương án thanh lý ụ nhưng không có kết quả. Do đó, thiệt hại do các bị cáo gây ra trong vụ án này không chỉ dừng ở con số gần 359 tỉ đồng (được tính giảm 8 tỉ đồng so với cấp sơ thẩm) mà có nguy cơ thiệt hại hầu hết số tiền đã đầu tư chi phí cho ụ 83M là hơn 500 tỉ đồng. Nếu không được thanh lý sớm, nó còn gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cảng biển nơi ụ đang neo đậu.

ĐỨC MINH

 

Bác chuyện vợ đưa tiền để Dũng mua nhà cho người tình

Bản án phúc thẩm cũng chấp nhận một phần kháng cáo của vợ và người tình Dương Chí Dũng. Theo đó, tòa nhận định việc cấp sơ thẩm tuyên kê biên các căn hộ là đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc không tính trừ 1/2 giá trị nhà đất ngôi nhà ở Nguyên Hồng cho bà Phương (tài sản chung của vợ chồng Dũng) và 1/8 căn hộ tại tòa nhà Sky City 88 Láng Hạ của chị Thảo (Thảo góp 600 triệu đồng mua nhà) là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của họ.

Cũng theo HĐXX, không có căn cứ chứng minh việc bà Phương đưa 10 tỉ đồng cho Dũng để mua nhà cho chị Thảo nên tòa bác kháng cáo này của bà Phương.

Ngoài ra, tòa cũng bác kháng cáo của vợ Mai Văn Phúc. Lý do: Ngoài căn nhà bị kê biên, vợ chồng Phúc còn có nhà và đất tại 72 Thụy Khuê và nhiều mảnh đất tại Tuần Châu (Quảng Ninh), có cổ phần tại sáu công ty nên việc kê biên toàn bộ nhà, đất tại Quảng Ninh không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bà này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm