Ý - Anh, chung kết trong mơ!

Với những gì hai đội tuyển Anh và Ý thể hiện sau sáu trận đã qua, họ cho thấy mình xứng đáng vào chung kết Euro 2020, đáp ứng nhiều lòng mong mỏi của người yêu bóng đá. Rõ ràng so với các ứng cử viên nặng ký trước khi bóng lăn như Pháp, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... thì hai đội bóng của các chiến lược gia Southgate và Mancini đá trận cuối cùng là xứng đáng.

Theo tôi thấy, tuyển Anh có một sự chuẩn bị rất tốt ở vòng chung kết Euro này, với lịch đấu thuận lợi và rơi vào nhánh đấu cũng nhẹ hơn nhiều đối thủ khác. Ông Southgate cũng có nhiều ưu thế khi chơi trên sân nhà Wembley với trong tay là một đội ngũ dồi dào, có chiều sâu trình độ.

Ý là một tập thể mạnh công thủ toàn diện. Ảnh: UEFA

Đặc điểm lớn nhất của tuyển Anh là nổi tiếng đá tấn công phóng khoáng nhưng bây giờ lại chơi theo phong cách khác. Họ rất giỏi kiểm soát trận đấu và bóp nghẹt đối thủ, không vội vàng tìm bàn thắng như xưa. Người Anh thực dụng luôn đá với tư tưởng nếu chưa ăn người ta thì không để thua. Nó dẫn đến những thời điểm họ chơi bóng rất chán, rất buồn ngủ nhưng mình chấp nhận thôi, vì thành tích là tối thượng.

Tuyển Anh đã lột tả mình khá rõ trong trận bán kết với Đan Mạch, dù gặp nhiều khó khăn ở hiệp 1 nhưng khi thay người trong hiệp 2 đã mạnh hơn. Ngược lại, Đan Mạch với dàn tuyển thủ có đẳng cấp trung bình khá nên khi thay thế ai cũng ít nhiều khập khiễng, làm họ yếu đi.

Theo tôi, thầy trò ông Southgate thắng trận bán kết là hợp lý, dẫu còn nổ ra nhiều tranh cãi xung quanh quả phạt đền của trọng tài. Thật ra Đan Mạch trong suốt 120 phút chỉ có mỗi pha đá phạt là hết, còn tuyển Anh có rất nhiều cơ hội. Giả sử Anh không có quả phạt đền thì có tình huống khác có thể ghi bàn.

Trong khi đó, tuyển Ý cũng chứng minh họ rất mạnh với sáu trận toàn thắng. Người Ý mang đến Euro nhiều bất ngờ nhất, bởi sự lột xác toàn diện của con người lẫn cách chơi. HLV Mancini cách đây hai năm dẫn dắt một tuyển Ý trong thời kỳ suy thoái đã rất nhanh chóng tìm lại mình, bằng sự kế thừa bóng đá Ý dựa vào nền tảng phòng ngự chặt chẽ. Người Ý bây giờ không dễ thua nhờ lối phòng thủ cứng cáp sở trường, mà sức mạnh còn tăng lên nhờ kiểu đá tấn công đẹp mắt với tốc độ cao, nhuần nhuyễn theo từng nhóm nhỏ.

Các cá nhân Ý như Chiesa, Immobile, Insigne... đều có khả năng tạo đột biến cao. Trận tứ kết thắng Bỉ 2-1 cho thấy một tuyển Ý không chỉ sừng sỏ trong tấn công mà còn lão luyện trong phòng ngự. Tôi cũng ấn tượng với cái cách HLV Mancini chuyển đổi trạng thái cho học trò sang đá phòng ngự phản công, biết nhẫn nhịn chờ thời khi đụng độ Tây Ban Nha sành sõi hơn với lối đá Tiki-taca giàu kỹ thuật. Ai cũng thấy rất rõ tuyển Ý dù chỉ cầm bóng 39% so với 61% của Tây Ban Nha nhưng hiệu quả là khác biệt.

Trận chung kết là một cuộc đấu trí hấp dẫn giữa Mancini và Southgate đều có dàn hảo thủ tuyệt vời. Tôi chờ đợi và hy vọng cả hai tiếp cận trận đấu cởi mở, đều chơi tấn công để xứng đáng với bữa đại tiệc, đừng đá rình rập chán lắm.

Anh có những cá nhân xuất sắc có thể làm thay đổi cục diện. Ảnh: UEFA

Tuyển Anh sẽ đăng quang sau 120 phút

Công thức làm nên sức mạnh tấn công của Anh theo tôi là dựa vào sự đột biến của Sterling, khả năng chớp thời cơ nhạy bén của Harry Kane và tận dụng những pha đánh đầu của Maguire. Vào đến trận chung kết ai cũng gặp khó cả, bởi một sai lầm đều sẽ trả giá đắt nhưng tôi tin người Anh có một số thuận lợi hơn tuyển Ý. Sân nhà Wembley là nguồn cổ vũ lớn cho thầy trò Southgate, cộng với khát khao lần đầu tiên vô địch Euro, sau lần họ thua Đức ở bán kết năm 1996. Hơn nữa, tuyển Anh có thể lợi dụng sự đơn độc của tiền vệ trung tâm Jorginho của Ý để phá trung lộ hay đánh vào sự chậm chạp của hai trung vệ già Chiellini - Bonucci. Tôi nghiêng về khả năng người Anh sẽ thắng sau 120 phút mới vượt qua được Ý có hàng phòng ngự rất chắc chắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới