Y, bác sĩ tích cực phát hiện, chống bạo hành phụ nữ

(PLO)- Phiên tòa giả định “Chống bạo hành phụ nữ” được tổ chức tại Bệnh viện Hùng Vương với đông đảo y, bác sĩ tham dự. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương tổ chức phiên tòa giả định “Chống bạo hành phụ nữ” và tuyên truyền phổ biến Luật số 13/2022/QH15 về phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.

Phiên tòa giả định được tổ chức tại Bệnh viện Hùng Vương với sự tham dự của các y, bác sĩ.

Phiên tòa giả định được tổ chức tại hội trường Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: NN

Phiên tòa giả định được tổ chức tại hội trường Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: NN

Theo cáo trạng của phiên tòa giả định, Nguyễn Văn An và Lê Thị Hiền kết hôn năm 2006. Quá trình chung sống, An có hành vi chửi mắng, đánh đập Hiền.

Tối 2-12-2022, An đi nhậu về. Hiền ra mở cửa và nói: “Sao đi nhậu mà không nói, để ở nhà phải chờ cơm?” thì An nói: “Thấy về trễ là biết rồi”. Hiền liền nói: “Đợi đến khi trễ thì cơm nguội canh lạnh hết rồi”. Nghe vậy, An lấy tay gạt mạnh qua người Hiền để đi vào nhà khiến Hiền bị ngã xuống đất, tay trái của của bà hiền chống mạnh xuống đất bị gãy xương cẳng tay.

Đến 3 giờ sáng hôm sau, Hiền thấy tay không cầm được đồ vật nên kêu con trai đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và trình báo sự việc với Hội LHPN quận 8. Theo kết quả giám định của Trung tâm pháp y - Sở Y tế TP.HCM, Hiền bị gãy xương cẳng tay trái, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%.

Các bác sĩ tham dự phiên tòa giả định tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: NN

Các bác sĩ tham dự phiên tòa giả định tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: NN

Tại phiên tòa giả định, bị cáo An khai vì là người kiếm tiền nuôi gia đình còn chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ nên những đi làm về mệt mỏi, vợ dọn cơm trễ, nhà không sạch sẽ, quần áo ủi không ngay ngắn… thì sẽ chửi, đánh vợ.

Theo vị hội thẩm nhân dân, Hiền chính là nạn nhân của bạo lực gia đình và có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm; áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ. Chính vì sự chịu đựng của bà là một phần nguyên nhân dẫn đến bị cáo tiếp tục vi phạm pháp luật, dẫn đến xảy ra vụ án hôm nay.

Vị này cũng cho biết thêm, bị cáo An đã nhiều lần bạo lực gia đình với vợ. Không phải khi đánh vợ gây thương tích mà còn chửi mắng, lăng mạ, gây áp lực về tâm lý, xúc phạm danh dự nhân phẩm của vợ... Có hai dạng bạo lực gia đình là về tinh thần và về thể xác. Không chỉ vợ mà con của bị cáo cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo An hai năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Từ ngày 1-7-2023, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (được Quốc hội thông qua ngày 14-11-2022) có hiệu lực thi hành. Luật này gồm có 06 chương và 56 điều với nhiều điểm mới.

Luật mới đã mở rộng nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình. Ngoài UBND cấp xã, cơ quan Công an; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình… Đã bổ sung thêm Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 55 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã sửa đổi, bổ sung Điều 135 của Bộ luật TTDS. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, tòa án được quyền tự ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm