Ý kiến chuyên gia về xử lý livestream bẩn, 'rác mạng'

Việc xử lý vi phạm trên mạng: Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin có thể giúp cho một người trở thành người đưa tin, người bình luận về mọi vấn đề trên không gian mạng. Qua đó xuất hiện những những clip, bài viết, bình luận mang tính tiêu cực, giả mạo, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí là vu khống người khác.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, xử lý các vi phạm trên không gian mạng theo Nghị định 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, nhiều người đã bị xử lý hình sự, theo các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội vu khống, làm nhục người khác (Điều 155 và 156); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331).

Nhìn chung, hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này cơ bản đã đủ nhưng thực tế cho thấy vẫn có vi phạm tràn lan là bởi việc xử lý chưa thường xuyên, liên tục, triệt để. Bên cạnh đó, điều đáng buồn là lại có nhiều người hào hứng xem các thông tin tiêu cực và cổ súy cho những điều đó. Vì vậy, những người vi phạm mới có đất diễn, dẫn đến những hành vi lên mạng nói xấu người khác diễn ra phức tạp như thời gian qua. Đây là điều khiến các cơ quan chức năng phải suy ngẫm.

Chưa kể, một số người vi phạm nhưng không biết mình vi phạm, đôi khi chia sẻ thông tin theo thói quen, phát biểu chủ quan mà không kiểm chứng, không nghĩ sẽ tác động đến cá nhân khác và xã hội.

Trước tình trạng này, để làm sạch không gian mạng cần nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là dùng giải pháp kỹ thuật để kiểm soát việc cá nhân, tổ chức đưa thông tin trên mạng. Thứ hai là phải tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn để xử nghiêm hành vi này, trong đó bổ sung yếu tố bị xử phạt vi phạm hành chính vào yếu tố cấu thành tội phạm của các tội vu khống, làm nhục, lợi dụng các quyền tự do dân chủ… để mở rộng phạm vi định tội.

Đồng thời phải chú trọng công tác giáo dục thanh thiếu niên thông qua việc đưa hẳn nội dung ứng xử trên không gian mạng vào các chương trình học thường xuyên, ngay từ cuối cấp I nhằm hình thành thói quen, ý thức khi tham gia mạng xã hội từ sớm, thay vì chỉ đưa vào như một tiết học ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNHPhó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.

Nói đùa coi chừng gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể từ dân sự đến hành chính và hình sự về các hành vi thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xã hội và Nhà nước. Ví như Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; Điều 101 Nghị định 15/2020 xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; Điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác và tội vu khống...

Người nói chơi, nói đùa nhằm giải trí không phải là hành vi xấu nhưng khi được thực hiện trong một bối cảnh “không bình thường” như hiện nay, đặc biệt là trên phương tiện mạng xã hội thì các hành vi này lại trở nên vô cùng “bất thường” và nguy hiểm. Nó không những bị xã hội lên án mà còn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Nói vui nhưng lại không vui là vậy.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNGTrưởng Khoa luật dân sự Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM.

Công khai đả kích, nhục mạ cá nhân khác là không thể chấp nhận

Mọi công dân có quyền thực hiện việc tố cáo sự việc vi phạm pháp luật của các cá nhân khác đến cơ quan chức năng để được giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, việc các cá nhân không thực hiện quyền này một cách hợp pháp mà sử dụng hình thức livestream, đăng tải các nội dung trên mạng xã hội để công khai đả kích, nhục mạ các cá nhân khác... là điều không thể chấp nhận được, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Các quy định pháp luật của Việt Nam cho công dân quyền tự do ngôn luận nhưng quyền tự do đó phải trong khuôn khổ của pháp luật và người đó phải chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật. Điều 14 của Hiến pháp nêu rõ quyền con người, quyền công dân sẽ bị hạn chế theo luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Do đó, không thể chấp nhận việc một ai đó viện cớ tự do ngôn luận để gây phương hại cho cá nhân, tổ chức khác và coi thường pháp luật.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm