Yên tâm với nước đá đóng gói

“Các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM chỉ sử dụng nước đá dùng liền được đóng gói trong bao bì kín, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không dùng tay trần để bốc nước đá. Không dùng đá ướp, đá bảo quản thực phẩm để làm đá uống” - BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết. Cũng theo BS Mai, sau ngày 15-8, các đoàn kiểm tra ATVSTP sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống và xử phạt những cơ sở không chấp hành quy định trên.

Không gặp khó khăn trong bảo quản

Quy định nước đá phải được đóng gói được người tiêu dùng hoan nghênh vì bảo đảm vệ sinh, có lợi cho sức khỏe. Còn các cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất kinh doanh nước đá… tiếp nhận quy định này như thế nào?

Cơ sở dịch vụ ăn uống đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà hàng cà phê Sài Gòn Phố (quận 3, TP.HCM). Quản lý nhà hàng, bà Trần Nguyễn Linh Phượng, cho biết trước đây nhà hàng sử dụng nước đá viên không bao bì do đại lý chở tới bằng xe máy. Gần đây đọc báo nhận thấy nước đá không hợp vệ sinh, có thể gây ngộ độc cho khách nên cách đây một tháng nhà hàng chuyển sang dùng nước đá đựng trong bao bì kín. “Dù giá cao hơn 350 đồng/kg nhưng chúng tôi thấy yên tâm” - bà Phượng nói.

Chúng tôi hỏi việc sử dụng nước đá đóng gói có gây trở ngại trong vấn đề bảo quản vì dễ tan chảy, bà Phượng cho biết cơ sở cung cấp nước đá có hỗ trợ nhà hàng hai thùng nhựa lớn để bảo quản nước đá. Trước khi bỏ nước đá đóng gói vào thùng, nhà hàng chọc lủng bịch đá hai lỗ nhỏ để khi đá tan có chỗ nước thoát ra ngoài. “Thực tế cho thấy thùng nhựa giữ lạnh tốt nên đá rất ít tan” - bà Phượng nói.

Khách hàng yên tâm với nước đá viên đóng gói bằng bao bì kín. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chúng tôi tìm đến cơ sở thứ hai là nhà hàng bò beefsteak Nam Sơn (quận 3, TP.HCM). Bà Nguyễn Thị Như Mai, quản lý, cho biết nơi này đã ngưng sử dụng nước đá không bao bì từ ba tháng nay. Hỏi việc sử dụng nước đá đóng gói có gây khó khăn, bà Mai cho biết: “Mỗi ngày nước đá được chở tới bằng xe chuyên dụng, đảm bảo độ lạnh. Cơ sở cung cấp nước đá còn hỗ trợ nhà hàng hai thùng chứa để bảo quản đá nên cũng không gặp khó khăn gì”.

Tại hệ thống nhà hàng Tano (Tân Phú, TP.HCM), ông Phạm Phú Trung, quản lý, thú nhận nhà hàng hiện vẫn đang sử dụng nước đá không đóng gói. Ông Trung bày tỏ đồng tình với chủ trương sử dụng nước đá đóng gói vì an toàn cho thực khách, tuy nhiên ông vẫn còn băn khoăn: “Nhà hàng mỗi ngày tiêu thụ rất nhiều nước đá. Trong khi đó nước đá dễ tan chảy, nếu đựng trong bao bì kín thì nước không có chỗ thoát làm nước đá tan nhanh, các viên đá dính vào nhau. Chắc nhà hàng phải tốn thêm tiền làm kho chứa, khi đó giá bán mỗi chai bia sẽ tăng một ít, không biết thực khách có ủng hộ không?”.

Đề nghị có lộ trình

Phần lớn các cơ sở sản xuất nước đá cũng đã biết được quy định nước đá uống liền phải đóng gói nên đã đầu tư dây chuyền đóng gói.

Tại TP, Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Hồng Phúc (Bình Thạnh) là doanh nghiệp đầu tiên đưa vào sử dụng công nghệ sản xuất nước đá đựng trong bao bì kín. “Đầu tư dây chuyền đóng gói tuy bỏ vốn ban đầu lớn nhưng giảm nhân công, giảm nguy cơ nước đá nhiễm bẩn” - bà Dương Thị Thu Dung, Giám đốc Công ty Hồng Phúc, cho biết.

Tại đây, nước đá được đóng gói trong các bao loại 2 kg, 5 kg, 10 kg và 20 kg. Sau đó nước đá được vận chuyển đến các đại lý bằng xe chuyên dụng nên đảm bảo an toàn vệ sinh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Sản xuất nước đá Trung Lợi (quận 9, TP.HCM), cho biết công ty hiện vẫn sản xuất nước đá không đóng gói. Ông Thế Trung cho rằng nước đá do công ty sản xuất vẫn đảm bảo vệ sinh. “Nước đá chỉ bị nhiễm bẩn khi đại lý bảo quản trong dụng cụ không hợp vệ sinh, khi sang sớt bán lẻ hoặc vận chuyển phân phối” - ông Thế Trung giải thích.

Cũng theo ông Thế Trung, nước đá nếu sử dụng bao bì thì giá thành mỗi bao (23-25 kg) bị nâng lên từ 5.000 đồng tới 6.000 đồng, sợ người tiêu dùng khó chấp nhận. “Tôi đồng thuận chủ trương nước đá phải chứa trong bao bì kín. Tuy nhiên, cần có lộ trình về thời gian để áp dụng” - ông Trung đề xuất.

56% cơ sở sản xuất nước đá vi phạm

Từ ngày 20-5 đến 30-6, Chi cục ATVSTP TP.HCM kiểm tra 39 cơ sở sản xuất nước đá và phát hiện 22 cơ sở (hơn 56%) vi phạm. Chi cục đã phạt bảy cơ sở với số tiền gần 154 triệu đồng, 15 cơ sở còn lại tiếp tục xử lý. Chi cục cũng đã xét nghiệm và ghi nhận 2/5 mẫu nước đá (40%) không đạt chỉ tiêu. Điều này cho thấy nước đá nhiễm bẩn vẫn còn do đựng trong bao bì hở.

Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA,
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Tháng 9-2014, Chi cục ATVSTP TP.HCM đã có công văn đề nghị phòng y tế và trung tâm y tế dự phòng quận, huyện hướng dẫn và phổ biến đến toàn bộ cơ sở sản xuất nước đá phải thực hiện bao bì đựng, đảm bảo theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền ban hành năm 2011 của Bộ Y tế.

BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm