Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản hướng dẫn các cảng vụ đường thủy, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện. Đặc biệt phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định trên.
Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Dầm cầu bị hư hỏng nặng khiến giao thông đường thủy và đường bộ tê liệt. Ảnh: Hải Đường
Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các phương tiện vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Như PLO đã đưa tin, cùng ngày, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt giúp Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục sự cố cầu An Thái (Hải Dương).
Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân sơ bộ, đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu An Thái và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu. Đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố cầu.
Trước đó, ngày 6-3, tàu Thành Luân 28 (Công ty TNHH Thành Luân), trọng tải hơn 3.000 tấn, dài gần 50 m trong lúc di chuyển từ Hải Dương về Hải Phòng đã đâm vào dầm cầu An Thái nối huyện Kim Thành và Kinh Môn (Hải Dương). Vụ việc khiến dầm cầu dài hơn 290 m, rộng 11 m bị rạn nứt nghiêm trọng.