Chiều 13-6, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Mil- Đắk Song làm lại báo cáo vụ rừng thông ở bon Ta Mung, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song nghi bị đốt, hủy hoại mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh vào sáng cùng ngày.
Trước đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Pháp Luật TP.HCM về khu rừng thông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song nghi bị đốt, hủy hoại, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm báo cáo sự việc. Tuy nhiên báo cáo của Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Mil-Đắk Song không nêu nguyên nhân, số lượng thông bị chết, không nêu hướng xử lý của lực lượng chức năng; không xác định mục đích của việc người dân đào hồ chứa nước trên đỉnh đồi...
Dọc đường hướng từ quốc lộ 14 đến bon Ta Mung, xã Trường Xuân, có rất nhiều gốc thông lớn đã bị đào bới, tập kết hai bên đường nhưng cơ quan kiểm lâm không thống kê, không xác định người dân có được phép khai thác, hủy hoại cây thông hay không...
Báo cáo của Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Mil-Đắk Song chỉ nêu trước thông tin phản ánh tại xã Trường Xuân có tình trạng người dân đang cày xới đất, đào hồ cạn chứa nước để canh tác nương rẫy.
Kiểm tra ban đầu, lực lượng kiểm lâm xác định, năm 2007 Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Ngọc giao nhận khoán 21,6 ha để trồng cây lâm nghiệp. Hiện trạng khi đó là đất trống, đồi núi trọc; thời hạn giao 47 năm. Sau khi giao khoán, bà Ngọc phối hợp công ty trên trồng rừng, được Sở NN&PTNT phê duyệt thiết kế dự toán hạng mục công trình là trồng mới, chăm sóc rừng trồng năm thứ nhất lâm trường Trường Xuân.
Cuối năm 2023, bà Ngọc khai thác rừng trồng nói trên. Đầu năm 2024, gia đình bà Ngọc tổ chức dọn, chuẩn bị đất dự kiến trồng lại rừng trong mùa mưa 2024.
Tổng diện tích khu vực đã khai thác keo và đang cày, xới đất là 23,6 ha; trong đó diện tích quy hoạch lâm nghiệp 8,2 ha, ngoài quy hoạch lâm nghiệp 15,4 ha. Toàn bộ diện tích nêu trên đều do UBND xã Trường Xuân quản lý.