Mới đây trạm CSGT Thăng Bình thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam đã thu giữ một xe khách vận chuyển 5 bao tải chứa hơn 5 tạ nội tạng, thịt động vật bốc mùi hôi thối đang đưa vào tỉnh Bình Định tiêu thụ khi lưu thông qua địa bàn tỉnh này. Theo đó số nội tạng và thịt hôi thối nói trên không có hóa đơn chứng từ, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nội tạng động vật không rõ nguồn gốc chất lượng bị bắt giữ tại Quảng Nam. Ảnh: Dân Trí
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng nội tạng bẩn, hoặc hôi thối sẽ mang lại nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng. Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế cũng chỉ ra ăn các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.
Cục chỉ ra ví dụ ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò “bệnh bò điên”. Hay tiêu thụ gan động vật chăn nuôi không vệ sinh nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin cao- chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.
Cục An toàn thực phẩm, cho hay các thành phần dinh dưỡng của bộ phận nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người ăn khi nó tuyệt đối an toàn. Chúng chứa khá nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe song lại dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... phát triển trong quá trình giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
VFA cũng lưu ý, nội tạng động vật có an toàn hay không, còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăm sóc trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển lưu thông và chế biến. Theo đó nếu một trong các khâu đó không an toàn như thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất cao (thuốc trừ sâu, chì, cadimi, asen...) hoặc không tuân thủ liệu trình chữa bệnh như dùng quá nhiều kháng sinh, thuốc tẩy giun sán... sẽ để lại dư lượng hóa chất, thuốc thú y cao trong thực phẩm. Đặc biệt ở các nội tạng động vật: gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già...là nơi tiêu hóa thức ăn và chứa đựng cặn bã thức ăn, vì vậy sẽ không an toàn cho người tiêu thụ.
Trên thực tế, không chỉ nội tạng mà các sản phẩm khác như tiết canh, nem chua… chưa được nấu chín từ những con heo bị bệnh hoặc không an toàn thì liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Theo con số thống kê gần đây của Bộ Y tế, trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lòng lợn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.
Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… cho người khi ăn phải lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến. Nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe & nặng hơn có thể tử vong.
Ăn nội tạng không đảm bảo mang lại nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Trong một vài phỏng vấn trên PLO, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học- công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hoặc không đảm bảo chất lượng rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay đặc biệt tụ cầu trùng... Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm, nôn ói...
Cục An toàn thực phẩm thông tin, hầu hết các nước phát triển đều đưa ra quy định an toàn vệ sinh chặt chẽ để kiểm soát chuỗi cung cấp các sản phẩm chế biến từ nội tạng động vật. Người tiêu dùng ở những nước này từ lâu đã hạn chế hoặc từ bỏ ăn nội tạng động vật.
Ở Việt Nam, nội tạng là món ăn thông dụng. Mặc dù các điều kiện đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, bảo quản lưu thông... còn chưa đầy đủ, hơn nữa các nội tạng trên thị trường hầu hết không có nguồn gốc/địa chỉ tin cậy. Đồng thời kiến thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân còn nhiều hạn chế thì người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêu thụ chúng.