Yếu tố nào quyết định diễn biến giá vàng thế giới tuần này?

(PLO)- Tuần này, không có nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố, không có ngân hàng trung ương lớn nào của thế giới họp, diễn biến của đồng USD sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến giá vàng thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần vừa qua, đã có lúc giá vàng hạ rất sâu, tuy nhiên vẫn hồi phục trở lại và chốt tuần ở ngưỡng khá cao.

Yếu tố nào quyết định diễn biến giá vàng thế giới tuần này?
Có những chuyên gia cho rằng không có yếu tố gì có thể cho thấy giá vàng thế giới sẽ giảm - Ảnh: NGỌC DIỆP

Nhận định về triển vọng diễn biến giá vàng tuần này, kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy không nhiều chuyên gia ngành tin vào kịch bản tăng, trong khi đó phần lớn các nhà đầu tư cá nhân vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng.

Giám đốc điều hành tại quỹ Bannockburn Global Forex, ông Marc Chandler, dự báo: “Giá vàng thế giới sẽ có những điều chỉnh, tuy nhiên tôi cho rằng nó sẽ vẫn duy trì trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 2.600USD/ounce. Giá vàng thế giới trong tuần trước từng hồi phục lên ngưỡng 2.650USD/ounce sau khi Mỹ công bố chỉ số PPI. Tuy nhiên không thể loại trừ khả năng giá vàng thế giới sẽ lại về mức 2.600USD/ounce hoặc thậm chí thấp hơn khoảng 20USD nữa”.

Cũng theo ông Chandler, căng thẳng tại Trung Đông đang hỗ trợ cho diễn biến của giá vàng thế giới, tuy nhiên lãi suất và đồng USD cao sẽ có thể gây áp lực lên diễn biến giá vàng.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ SIA Wealth Management, ông Colin Cieszynski, nhận định: Tôi trung lập về triển vọng giá vàng trong tuần này. Sau khoảng thời gian dài tăng mạnh, giá vàng thế giới hiện đang ổn định trong ngưỡng từ 2.600 đến 2.700USD/ounce. Trong tuần cũng không có quá nhiều yếu tố tiềm ẩn khả năng tác động mạnh đến diễn biến giá vàng thế giới. Các ngân hàng trung ương không họp và không có số liệu kinh tế quá nổi bật được đưa ra.

Còn theo trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Forex.com James Stanley, trong vài tuần qua, cứ mỗi khi giá vàng thế giới tăng, nhiều nhà đầu tư lại tranh thủ chốt lời. Dù vậy vẫn còn rất cần phải quan tâm đến việc tỷ giá đồng USD tăng nóng sẽ có thể gây ra nhiều diễn biến sụt giảm của giá vàng trong thời gian tới.

Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, ông Daniel Pavilonis, dự báo vàng chạm 3.000 USD/ounce năm 2025, do căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát và bất ổn liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ.

Chiến lược gia thị trường cao cấp James Stanley của Forex.com thì cho biết, gần 6 tháng qua, thay vì bán, ông đã và tiếp tục tìm cơ hội mua vào sau các đợt điều chỉnh. James Stanley nói thêm rằng, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục nói về chính sách nới lỏng, không có lý do gì để nghi ngờ về đà tăng dài hạn của kim loại quý này.

Các nhà phân tích tại CPM Group cho rằng vàng vẫn duy trì được tâm lý tích cực nhưng không tránh khỏi những đợt giảm nhẹ. "Giá có thể kiểm tra mức 2.675-2.680 USD, nhưng sau đó về quanh 2.625 USD mỗi ounce", nhóm chuyên gia CPM dự đoán.

USD-Index – chỉ số sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ - hiện đạt 102,8 điểm, giảm 0,14% so với trước đó trước sự đi lên của vàng song vẫn ở vùng giá cao nhất 2 tháng.

Kết thúc tuần này, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.175 đồng, tăng 3 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 22.968-25.373 đồng.

Tại một số ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ giá đồng USD được niêm yết ở mức 24.630-25.020 đồng (mua - bán), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với trước đó. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.610 - 25.020 đồng, giảm 60 đồng mỗi chiều.

Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng USD được giao dịch tại 25.240-25.340 đồng (mua - bán), giảm 10 đồng so với trước đó. So với đầu tuần, giá USD tự do đã tăng 130 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm