Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như cóc bỏ đĩa.
Nguyên nhân của sự tồn tại hơn 55.000 video xấu độc là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Chẳng hạn tên tiêu đề rất lành mạnh nhưng lại chứa nội dung dung tục, khiêu dâm. Những nội dung này lại được đặt vào những vị trí không phù hợp. Ví dụ nội dung này phải đặt ở mục người lớn thì lại đặt ở mục trẻ em hay nhóm nội dung phản động phải đặt vào chính trị thì đặt vào giải trí.
Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Cục PTTH&TTĐT phải mất 1,5 năm làm việc với Google để gỡ 8000 video có nội dung xấu độc nhưng việc đăng tải các video xấu, độc khác lại rất nhanh.
Khá "bảnh" và Dương Minh Tuyền được giới trẻ chào đón như thần tượng.
Hiện nay, Google vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.
Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, cùng với sai phạm của YouTube còn có sai phạm của các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam trên YouTube.
Theo Báo cáo của Youtube gửi Bộ TT&TT, hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra. Sai phạm chủ yếu là nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền. Nhiều nội dung gây hại cho trẻ em như rất nhiều video dành cho trẻ em vi phạm thuần phong mỹ tục. Những người nhận nút vàng, nút bạc của YouTube thường đăng tải các nội dung lành mạnh sau đó chuyển sang các nội dung không lành mạnh.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết, thời gian tới sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt (có chứng minh, đăng ký với cơ quan nhà nước). Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo.
Đối với kênh đã bị Bộ TT&TT thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.