Trên không gian mạng, chỉ cần gõ từ khóa “đại ca”, “chị đại” là hàng đống clip xuất hiện cho người dùng lựa chọn. hầu hết các clip này có nội dung cổ súy cho việc bắt nạt, đánh nhau, ngôn từ dung tục…
Nhiều nhóm không chuyên đã đầu tư vào các clip này vì lượt view khủng.
“Giang hồ học đường 4.0”
Trên YouTube, một clip về giang hồ học đường có hơn 65 triệu lượt view với hàng chục lượt chia sẻ. Nhiều bản nhái clip này cũng thu hút lượt view khủng. Đáng nói là nội dung phim này rất phản giáo dục với một nhóm nữ sinh chuyên đánh nhau, bắt nạt, bắt cung phụng, làm bài tập thay, đánh bạn tùy tiện, trốn học, nói năng dung tục lồng trong nền nhạc chế…
Ăn theo thể loại băng nhóm học đường có thêm nhiều clip khác tương tự cũng lấy bối cảnh học đường nhưng các nhân vật ở độ tuổi học sinh, mặc đồ học sinh chửi thề, nói tục, ngôn ngữ bạt mạng. Trong các clip, cảnh học sinh vô lễ với thầy cô, tụ tập ăn chơi, trốn học, hút thuốc, ma túy, đốt sổ đầu bài, đánh chém bạn, băng nhóm tràn ngập. Một số clip gượng gạo lồng ghép chuyện ăn năn hối hận nhưng không đọng lại gì ngoài những màn đập phá, đánh đấm, bắt nạt.
Các phim, clip giang hồ học đường không chỉ do “diễn viên” ở tuổi học cấp 3 đóng mà còn có cả các “diễn viên” là học sinh cấp 2, trẻ em vào vai mà trong đó cảnh chặn đường đi học cướp đồ ăn của bạn với lý lẽ: “Nhà anh thiếu gì đồ ăn, thích ra làm đại ca cho nó ngầu thôi” và các em bị cướp được gieo suy nghĩ: “Làm đại ca sướng thật, mai mình thử làm đại ca…”. Những em bé đóng vai đại ca ăn mặc hầm hố, cố ra vẻ ngông nghênh, ăn nói bặm trợn cho ra dáng…
Các phim ngắn về giang hồ học đường đang nhan nhản trên mạng. Ảnh: HB
Lao vào làm phim ngắn, clip giang hồ
Với dòng phim ngắn nghiệp dư trên YouTube này, sau những clip giang hồ học đường nhắm thẳng vào đối tượng học sinh là những clip phim ngắn giang hồ thật được giới học sinh tìm xem nhiều không kém.
Các phim kiểu này mô tả chuyện ăn chơi, hút xách, đi bar, vũ trường, cờ bạc, băng nhóm đánh nhau chém giết, rút súng bắn máu chảy đầm đìa với cấp độ nặng nhiều lần hơn những phim mô tả, cổ vũ bạo lực học đường.
Đáng sợ hơn là dạng phim giang hồ như vầy có cả phim do diễn viên tuổi trưởng thành lẫn diễn viên độ tuổi choai choai đóng, nhắm chính vào lứa tuổi này.
Có thể nhận ra phần lớn những clip, phim ngắn tự do kiểu giang hồ như thế này trôi nổi trên thế giới mạng ở YouTube đều có lượng view cao ngất vì nó không tuân theo bất cứ một lôgic, quy chuẩn nào về nghệ thuật, tính hợp lý, miễn gây chú ý, thu hút lượt view.
Cái “sướng” của loại phim ngắn, clip này là cơ quan chức năng hầu như không quản lý được, không bị giới phê bình nghệ thuật nhòm ngó và chỉ cần chiếc điện thoại là trên mạng có mớ rác cho mọi người vào xem.
Trong các clip ấy, hàng trăm, hàng ngàn lượt comment xem các băng nhóm, hành xử kiểu đại ca, bạo lực, nói năng báng bổ và vô tình thành “chuẩn”, thành “thần tượng”, “hình mẫu” để các em noi theo.
Với thực trạng phim về giang hồ ăn khách, giới nghệ sĩ và showbiz Việt cũng lao vào với đủ cấp độ, hình thức mà xoay quanh là tụng ca về giang hồ...
Khá “bảnh” (trái), dương minh tuyền với những clip đăng trên mạng tạo nhận thức lệch lạc cho lớp trẻ. Ảnh: PV
Đến giang hồ thật cũng tham gia
Mới đây, Khá “bảnh” bị bắt, tài khoản người này trên YouTube, Facebook cũng bị khóa. Tuy nhiên, trên môi trường mạng còn có rất nhiều cái tên được cộng đồng biết đến với những clip có nội dung không phù hợp, sử dụng ngôn từ tự nhiên, cổ súy cho cách hành xử tự phát, tùy tiện...
Trong cộng đồng mạng, rất nhiều cái tên cũng nổi tiếng không thua Khá “bảnh” như Dương Minh Tuyền, Huấn “hoa hồng”, Phạm Tuấn… Nhiều video được tung lên còn có nội dung thể hiện sự tương tác giữa các cá nhân này với nhau theo kiểu “anh em xã hội”.
Dương Minh Tuyền còn được biết đến với biệt danh “thánh chửi”. Các nội dung của Tuyền thường được biết đến là “lướt sóng” dư luận thông qua việc bình luận về các sự kiện, nhân vật đang gây chú ý bằng lời lẽ kiểu thô tục như Cô giáo cung Bọ Cạp, chửi hot boy xăm trổ, chửi Manchester City…
Cũng giống như đàn em Khá “bảnh”, Tuyền cũng từng lãnh án 32 tháng tù. Gần đây nhất, hình ảnh Tuyền được chào đón rầm rộ “như người hùng” tại Hưng Yên khi đến thăm gia đình học sinh bị bạn đánh đập tại trường lan truyền nhanh đến chóng mặt.
Một “giang hồ mạng” khác có lượt theo dõi “khủng” trên Facebook là Huấn “hoa hồng”. Cũng với ngôn ngữ kiểu đàn anh, đàn chị trong xã hội, Huấn “hoa hồng” thường xuyên giới thiệu những màn ăn chơi và thách thức giang hồ khác. Trên trang cá nhân, Huấn tự giới thiệu là tổng giám đốc công ty chuyên cho vay - cầm đồ tại Sài Gòn.
Những kiểu “giang hồ mạng” như Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền hay Huấn “hoa hồng” cũng không hiếm gặp trên môi trường mạng.
Không có các quy chuẩn mang tính bắt buộc nên các phim ngắn, clip tràn ngập trên mạng xã hội đang đầu độc người xem, nhất là giới trẻ mà dường như cơ quan quản lý chưa với tới.
Thấy nội dung độc hại nhưng khó xử lý Google sẽ không chia sẻ tiền quảng cáo cho những nội dung mà phía Bộ TT&TT yêu cầu. Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), việc quản lý các trang mạng xã hội đang bộc lộ nhiều điều. Ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận là quản lý mạng xã hội ở Việt Nam đang có một số bất cập và hạn chế. Các quy định của pháp luật chủ yếu quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội trong nước do Bộ TT&TT cấp phép bằng nhiều văn bản, luật pháp liên quan. Tuy nhiên, các trang mạng xã hội do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thì quản lý chưa thật sự hiệu quả. Những nội dung xấu, vi phạm pháp luật tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng lại có sự lan tỏa mạnh trên mạng xã hội và YouTube còn có tính năng giới thiệu, gợi ý người xem làm cho thông tin đó nhanh chóng lan đến nhiều người trong cộng đồng mạng. Các nội dung xấu, độc hại đó đã tác động, ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi của người tiếp nhận. “Chúng tôi tập trung cố gắng xử lý, ngăn chặn những nội dung xấu, độc, phản động ở trên các kênh mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và YouTube. Với trường hợp xác định được nhân thân, danh tính thì chúng tôi sẽ xử lý, thậm chí với trường hợp nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an để xử lý từ mức độ hành chính cho đến xử lý hình sự” - ông nói. Còn với những tài khoản trên mạng không xác định được ai là chủ, đơn vị sẽ yêu cầu YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung đó. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn những kênh thanh toán, chuyển tiền quảng cáo mà những clip đó thu được đến những tài khoản đó. “Hai năm nay chúng tôi đã thống nhất được với Google là sẽ không chia sẻ tiền quảng cáo cho những nội dung mà phía Bộ TT&TT yêu cầu. Có những trường hợp còn theo một quy trình nghiệp vụ khác để xử lý chứ không chỉ gỡ bỏ những nội dung vi phạm, như vụ Khá “bảnh” chẳng hạn” - ông do nói. Qua báo chí, phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hoặc những người muốn khởi nghiệp trên kênh YouTube phải có trách nhiệm với những gì mình đăng tải, tránh ảnh hưởng cộng đồng.
|