Từ năm 1986, hai nhà nghiên cứu Friedrich-Cofer và Huston phát hiện rằng có một mối quan hệ nhất quán giữa việc xem phim ảnh bạo lực trên truyền hình và hành vi gây hấn (của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ).
Năm 2012, hai chuyên gia Martins và Wilson (Mỹ), sau khi khảo sát 500 học sinh từ độ tuổi mẫu giáo đến lớp 5, công bố nghiên cứu trên tạp chí Human Communication Research, kết luận rằng các em nữ sinh xem càng nhiều các video có cảnh bạo lực xã hội thì càng có xu hướng gia tăng hành động bạo lực ở trường học.
Bạo lực trên các phương tiện truyền thông và bạo lực trong cuộc sống đến nay vẫn còn là vấn đề nóng. Internet và mạng xã hội đã khiến sự lan tỏa các video mang tính bạo lực xã hội trở nên tồi tệ hơn, vì bất cứ khi nào trẻ em cũng có thể tiếp cận bạo lực xã hội: Từ các video bạo lực có thật được quay (lén) lại rồi tung lên mạng đến các bộ phim bạo lực được dàn dựng chuyên nghiệp lẫn không chuyên (như trường hợp Khá “bảnh” và một số nhân vật được gọi là “giang hồ 4.0”).
Mối quan hệ giữa mức độ tiếp cận các video bạo lực đến tâm lý và hành vi của người dùng, đặc biệt ở trẻ em, là gần như không thể bị phủ định. Trong khi đó, các nhà quản lý nền tảng mạng xã hội dù tỏ ra nỗ lực trong việc kiểm duyệt và loại bỏ các video bạo lực vẫn cho thấy sự bất lực. Vụ xả súng khiến hàng chục người chết tại một nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của mạng xã hội khi không thể quản lý bạo lực: Tay sát thủ đã phát trực tiếp cảnh xả súng lên Facebook.
Như vậy, việc loại bỏ tối đa bạo lực được “truyền hình hóa” trên mạng xã hội là mục tiêu quan trọng nếu không muốn bạo lực ở trẻ em gia tăng. Điều này đòi hỏi sự gia tăng trách nhiệm của các ông chủ mạng xã hội, không chỉ mang tính hứa hẹn tức thời mà phải ở mức cam kết cao về phương diện pháp lý. Mở cửa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạng xã hội hoạt động phải song song với các biện pháp chế tài nếu không đảm bảo môi trường mạng lành mạnh. Các vụ kiện nhằm vào các doanh nghiệp mạng xã hội dựa trên các hệ lụy mà họ không quản lý được là văn minh và cần thiết.
Dù vậy, cách tiếp cận mang tính “chữa bệnh” này vẫn có một điểm yếu trí mạng: Các nhà mạng dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể quét sạch video bạo lực trên mạng xã hội. Nghĩa là cần có các biện pháp phòng ngừa chủ động. Việc giáo dục trẻ em dùng thiết bị thông minh, dùng mạng xã hội là rất cấp bách và cần thiết. Điều đó tương tự với việc dạy trẻ hòa nhập vào môi trường xã hội ngoài đời thực: Biết nhận diện đúng sai; biết loại bỏ cái xấu, đấu tranh cho các giá trị sống tốt đẹp.
Theo khảo sát vào năm 2018 của nhóm nghiên cứu đời sống xã hội Social Life (kết hợp Ban Thiếu nhi, Thành đoàn TP.HCM) đối với 1.000 thiếu nhi, trình độ học vấn từ lớp 4 đến lớp 9 tại TP.HCM, có trên 95% các em đã và đang sử dụng thiết bị thông minh. Mục đích của các em chủ yếu là nghe nhạc, chơi game và xem phim - những nền tảng mà trẻ dễ dàng tiếp cận với bạo lực. Nếu việc giáo dục các em trong việc sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội bị xem nhẹ thì bạo lực xã hội, bạo lực học đường sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.
ĐỖ THIỆN, ThS truyền thông ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức