Cấp bản sao văn bản công chứng

1. Ai được quyền xin sao lục di chúc?

Năm 2004, mẹ tôi đến Phòng Công chứng số 2 lập di chúc để lại căn nhà của bà cho anh chị tôi. Sau khi mẹ mất, tôi có yêu cầu được xem bản di chúc nhưng anh chị tôi từ chối. Do vậy, tôi có đến phòng công chứng xin sao lục bản di chúc nhưng cũng không được chấp nhận. Sự từ chối này đúng hay sai?

Trần Trung Thành (Quận 11)

Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM:

Điểm a khoản 1 Điều 12 và điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng quy định: “Nghiêm cấm công chứng viên tiết lộ nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều 15 luật này cũng quy định những đối tượng được quyền yêu cầu cấp bản sao văn bản công chứng gồm có: cơ quan có thẩm quyền; các bên tham gia hợp đồng, giao dịch và người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

Theo đó, các cơ quan công chứng sẽ không cấp bản sao văn bản công chứng cho những người không thuộc một trong các đối tượng trên.

Cũng xin nói thêm, thủ tục xin sao lục di chúc rất đơn giản: Người có yêu cầu cần điền vào mẫu đơn có sẵn, nộp kèm theo một bản photo giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ chứng minh mình là đối tượng quy định. Chi phí là 15.000 đồng một lần yêu cầu.

2. Giá đất nằm ở đường hẻm xi-măng do dân tự tráng?

Đường hẻm xi-măng trước nhà tôi do người dân tự tráng, không phải do nhà nước đầu tư. Khi xin cấp giấy tờ nhà đất, tôi phải đóng thuế theo giá hẻm xi-măng hay hẻm đất?

Đặng Văn Hòa (Bình Tân)

Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục phó Cục Thuế TP.HCM:

Theo Quyết định 179 ngày 22-12-2006 của UBND TP.HCM và Hướng dẫn liên sở số 1280 ngày 24-2-2006 của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Thuế TP.HCM, việc xác định giá đất để tính thuế được căn cứ theo hiện trạng của nhà, đất đó, không phân biệt hẻm do ai làm. Trong những trường hợp cần thiết, UBND cấp phường sẽ chịu trách nhiệm xác định kết cấu của hẻm.

3. Có phải nộp tiền sử dụng đất hay không?

Năm 1992, theo thỏa thuận của các anh em, tôi được chia hơn 500 m2 đất của cha mẹ để lại. Năm 1993, tôi cất lên một căn nhà diện tích hơn 80 m2 và đã được cấp “giấy trắng”. Sau đó, anh em tôi có tranh chấp việc phân chia tài sản. Bản án phúc thẩm năm 1996 của TAND TP.HCM xử tôi là người được sử dụng hơn 500 m2 nói trên. Khi làm “giấy hồng”, tôi có phải nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ?

Phạm Văn Hai (Tân Phú)

Ông Bùi Mạnh Sơn, chuyên viên Phòng Tuyên truyền–hỗ trợ, Cục Thuế TP.HCM:

Theo Nghị định số 198 ngày 3-12-2004, Nghị định số 17 ngày 27-1-2006, Nghị định số 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp “giấy hồng”, ông phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau đây:

- Tiền sử dụng đất: Đối với đất được sử dụng làm đất ở ổn định trước ngày 15-10-1993, phần diện tích trong hạn mức đất ở không phải nộp tiền sử dụng đất, phần diện tích còn lại phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với đất được sử dụng làm đất ở kể từ ngày 15-10-1993 trở về sau: phần diện tích trong hạn mức nộp 50% tiền sử dụng đất, phần ngoài hạn mức đóng 100%. (Ở quận Tân Phú, hạn mức đất ở là 160 m2)

Việc xác định mốc thời gian làm đất ở do UBND địa phương xác định.

- Lệ phí trước bạ nhà đất: 1% giá trị nhà, đất.

4. Giá trị của “giấy đỏ”?

Nhà của tôi đã được cấp “giấy đỏ” theo Luật Đất đai năm 2003. Nay với quy định của Luật Nhà ở, “giấy đỏ” đó còn có giá trị hay không?

Minh Hải (Long An)

Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM):

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận về nhà ở cấp theo Luật Đất đai năm 2003 và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp theo Luật Nhà ở năm 2005 đều có giá trị như nhau để công nhận quyền sở hữu nhà của người dân. Muốn đổi từ “giấy đỏ” trên sang mẫu “giấy hồng” theo Luật Nhà ở, ông có thể liên hệ với UBND cấp huyện để được xem xét, giải quyết.

5. Chia nhà đang đứng tên giùm?

Chị tôi có nhờ tôi đứng tên giùm một căn nhà ở quận 6. Nếu vợ chồng tôi ly hôn, vợ tôi có quyền đòi chia căn nhà đó hay không?

Văn Tiến (Quận 6)

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Theo nguyên tắc, căn nhà trên được xác định là tài sản chung của vợ chồng do được ông tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Vì thế, người vợ cũng phải được quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt căn nhà và khi ly hôn, người vợ được chia 1/2 căn nhà. Nếu muốn tranh chấp quyền sở hữu nhà với vợ chồng ông, người chị của ông có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu TAND cấp huyện xem xét, giải quyết.

ÁI PHƯƠNG - TP ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm