Hợp đồng vô hiệu, không bị mất cọc

Theo hồ sơ, tháng 10-2002, Công ty Phát triển phần mềm Quang Trung cho Công ty Đ. thuê đất trong 50 năm để xây khu biệt thự cho chuyên gia. Sau khi có giấy đỏ, Công ty Đ. đã xây sáu căn biệt thự. Tháng 2-2007, Công ty Đ. bán sáu căn biệt thự và hơn 1.800 m2 đất cho Công ty B. với giá 11,4 tỉ đồng. Công ty B. đặt cọc 6 tỉ đồng, cam kết trả dần nhưng lại vi phạm thời hạn trả tiền.

Sau đó, Công ty Đ. bị tòa buộc phải trả nợ cho một công ty khác nên cơ quan thi hành án đã cưỡng chế phần đất của Công ty Đ. (trong đó có sáu căn biệt thự) để đảm bảo việc trả nợ. Công ty B. bèn khởi kiện yêu cầu tiếp tục được mua nhà. Còn Công ty Đ. cho rằng Công ty B. kéo dài thời gian thanh toán, nhiều lần vi phạm thời điểm thỏa thuận mua nhà đất nên phải mất cọc. Mặt khác, Công ty Đ. cũng không còn bán nhà được nữa vì tài sản đã bị thi hành án.

Theo tòa, trong sáu căn biệt thự thì có một căn thuộc sở hữu của một cổ đông của Công ty Đ. và người này không đồng ý bán. Chưa kể vụ mua bán này cũng không được sự đồng ý của Công ty Phát triển phần mềm Quang Trung. Như vậy, hợp đồng mua bán nhà đất giữa Công ty Đ. và Công ty B. là vô hiệu.

Theo Nghị quyết số 01 ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tiền cọc đã chuyển thành tiền hợp đồng do hợp đồng vô hiệu nên việc Công ty Đ. đòi lấy tiền cọc là không có căn cứ. Ở đây, cả hai công ty đều có lỗi ngang nhau nên không bên nào phải bồi thường thiệt hại cho bên nào.

Từ đó, tòa tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, buộc Công ty Đ. phải trả lại 6 tỉ đồng tiền cọc cho Công ty B.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm