ĐỦ KIỂU TRỐN THI HÀNH ÁN - BÀI 3:

Vướng người, vướng luật nên dễ né tránh

Đương sự kéo dài, trì hoãn thi hành án ngoài nguyên nhân chủ ý của họ thì trong đó những quy định của luật pháp còn cứng nhắc, chưa chặt và trình độ, năng lực một số chấp hành viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc… cũng là những nguyên nhân lớn. Làm cách nào để tháo gỡ vấn đề trên, nhiều cán bộ “trong nghề” cũng đã đóng góp giải pháp.

Khó áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Ông Bùi Đăng Thủy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Dăk Lăk, cho biết BLTTDS đã quy định ngay khi khởi kiện, các nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án có một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, ngăn chuyển dịch tài sản nhằm ngăn chặn các đương sự có ý tẩu tán tài sản.

Thế nhưng chính ông Thủy cũng băn khoăn, muốn có thể yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nguyên đơn cần phải nộp một khoản tiền tương đương với tài sản cần ngăn chặn gọi là tiền ký quỹ. Luật quy định như vậy nhằm bồi thường cho bị đơn trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của họ. Vô hình trung quy định này lại gây khó khăn và rắc rối, nguyên đơn không có đủ tiền để ký quỹ nên không dùng được quy định này.

Ông Nguyễn Hoàng Chiến, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 11 (TP.HCM), cho rằng các nhà làm luật cần xem lại quy định này để có thể áp dụng linh hoạt vào thực tiễn. Như trường hợp nguyên đơn khởi kiện đòi nợ hơn 1 tỉ đồng và yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn giao dịch căn nhà của bị đơn để đảm bảo THA. Nếu căn nhà của bị đơn có giá trị hơn 2 tỉ đồng thì chẳng lẽ nguyên đơn lại phải đóng tài khoản ký quỹ một khoản tiền tương đương như vậy. Điều này rất khó cho các đương sự không có nhiều khả năng tài chính.

Vướng người, vướng luật nên dễ né tránh ảnh 1

Nhân sự vừa thiếu, vừa yếu

Trong báo cáo triển khai công tác THADS năm 2010 đã nhìn nhận chất lượng trình độ nghiệp vụ của một bộ phận chấp hành viên (CHV) cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng việc THA tồn ngày càng tăng. Một số cán bộ, CHV của cơ quan THADS còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, khả năng dân vận và kinh nghiệm thực tiễn trong công việc, kỷ cương hành chính có lúc còn bị buông lỏng.

Báo cáo cũng đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy của cơ quan THADS chưa thực sự đáp ứng được công việc. Hiện nay, khối lượng công việc, số lượng tiền, tài sản phải THA ngày một tăng cao trong khi đội ngũ cán bộ THA lại không tăng. Điều này dẫn đến tình trạng CHV bị quá tải công việc. Nguyên nhân chính là do chính sách tuyển dụng, tiếp nhận, thu hút nhân tài chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, một số cơ quan THADS lại chưa chú trọng đến tuyển dụng, bổ sung thêm biên chế nên xảy ra tình trạng dư biên chế nhưng thiếu nhân sự.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang, cho biết tính chất công việc thi hành án phức tạp hơn rất nhiều so với những ngành nghề khác. Có những khiếu nại, tố cáo phức tạp nên đa phần các CHV nếu ngại đụng chạm thì họ sẽ chuyển công tác khác sau một thời gian làm việc, còn các sinh viên trường luật khi mới ra trường cũng ngại khó, ngại khổ nên THA không phải là lựa chọn của họ. Từ đó, nhân sự tại các chi cục THA quận, huyện thiếu nhiều, có nơi thiếu đến mức trầm trọng. Vì vậy, nếu địa phương nào có khả năng tuyển nhiều biên chế thì cứ tuyển để có thể tăng cường cho các địa phương khác còn thiếu biên chế.

Luật chưa chặt chẽ

Bà Mai Thị Thiên Kim, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 1 (TP.HCM), cho biết Luật THADS hiện nay còn rất nhiều điểm chỏi nhau và chỉ hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể. Điều này khiến CHV gặp không ít khó khăn khi làm việc. Đơn cử như quy định khi CHV tiến hành nhiệm vụ có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay mỗi cơ quan, mỗi ngành đều có những quy định riêng nên khi phối hợp thực hiện rất khó có tiếng nói chung.

Ông Trần Quốc Học, CHV Chi cục THADS quận 8 (TP.HCM), cũng đồng tình với nhận định trên và cho biết thêm, một lý do nữa là vào thời gian đầu, thường các đương sự tự thỏa thuận với nhau cách thi hành án. Lợi dụng thời điểm này, chưa có sự can thiệp, ngăn chặn của cơ quan THADS, bên bị THA lặng lẽ đi chuyển dịch tài sản bằng nhiều cách khác nhau. Đến khi hai bên không thể tự mình thỏa thuận được thì bên được THA mới tìm đến cơ quan THADS. Lúc đó thì đã muộn mất rồi, chúng tôi cũng đành bó tay.

Cần có quy định cụ thể về cung cấp thông tin

Thật ra, khi đi vào thực hiện luật THA còn rất nhiều điều vướng mắc. Cơ quan THA nhiều khi không có thông tin từ cơ quan khác. Họ không cung cấp thì THA cũng không làm gì được vì cũng không có quy định chế tài… Để khắc phục vấn đề này cần có văn bản hướng dẫn cụ thể yêu cầu các cơ quan khác phải hợp tác giúp đỡ THA.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang

Mức phí ký quỹ nên thấp hơn

Những nhà làm luật nên cân nhắc lại mức phí đóng để ký quỹ đảm bảo cho THA khi đương sự yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mức phí ký quỹ hiện nay còn quá cao, không phù hợp với thực tế.

Theo tôi, quy định hiện nay làm khó cho nguyên đơn nhưng nếu không như vậy thì sẽ phát sinh việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tràn lan. Nên chăng những người có trách nhiệm nên xem xét lại mức phí ký quỹ, có thể là từ 2% đến 5% giá trị tài sản cần phong tỏa, kê biên.

Luật sư Đỗ Hữu Điền, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm