Bắt nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Bắt nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ảnh 1
Ông Vũ Đình Thuần. Ảnh Tuổi Trẻ

Những người bị bắt cùng ông Thuần gồm: ông Nguyễn Đức Giao (Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp, Bộ Tư pháp); ông Lương Cao Sơn (Thư ký ban điều hành đề án 112), ông Hoàng Đăng Bảo (Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ) cùng Bùi Duy Hùng (Phó phòng kế hoạch Nhà xuất bản Tư pháp); bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Nguyễn Thị Minh Thiệu (2 Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách) và một Phó phòng của Tổng công ty này Ngô Thị Nhâm.

Những cán bộ trên bị tình nghi có sai phạm khi in ấn tài liệu triển khai thực hiện đề án 112 với giá cao hơn chi phí thực tế; đồng thời có dấu hiệu móc ngoặc, cố ý làm trái gây thiệt hại lớn cho ngân sách… 8 người bị điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

112 là đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005. Mục tiêu của đề án này là xây dựng các hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp các công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, tin học quá các dịch vụ công, thúc đẩy cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, cơ quan chức năng đánh giá, đề án đã phá sản do triển khai ồ ạt, thiếu tính hệ thống, không phù hợp thực tế... Đặc biệt, mục tiêu của xây dựng phần mềm dùng chung trong các cơ quan nhà nước của đề án đã không thực hiện thành công.

Chỉ có 3 phần mềm gồm thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, quản lý văn bản và hồ sơ công việc, trang thông tin điện tử phục vụ điều hành được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành và 15 bộ, ngành, song kết quả không như mong đợi.

Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, đây là những công trình kém hiệu quả, tiếng là dùng chung song không thể liên kết ở ngay trong hay ngoài ngành.

Tháng 4, Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án này vì không thực hiện được mục tiêu, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước như đã giao. Ngay tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng chưa thấy đề án mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Vũ Đức Đam từng nhận xét: "Đề án 112 đề ra mục tiêu quá lớn. Nếu không có tầm nhìn tốt thì khi chúng ta đầu tư cái gì đó mà quá lớn trong khi chưa sử dụng được sẽ gây lãng phí".

Thủ tướng yêu cầu, Ban điều hành phải điểm kiểm vì không hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngay sau quyết định dừng triển khai đề án của Thủ tướng, trao đổi với báo giới, ông Vũ Đình Thuần cho biết không bất ngờ về điều này, vì đó là điều chỉnh cấp vĩ mô của Chính phủ.

Ông Thuần thanh minh: "Thông tin cho rằng, 112 thất bại và lãng phí hàng nghìn tỷ đồng là không có cơ sở, căn cứ... Con số cụ thể Thủ tướng đang ra lệnh kiểm tra".

Trưởng ban điều hành 112 cho rằng đã làm hết trách nhiệm... "Trên thực tế chúng tôi đã cố gắng rất lớn. Đề án 112 triển khai trên phạm vi rộng thu được kết quả thế này là chưa từng có. Ai đánh giá thế nào mặc kệ. Sau này cơ quan Nhà nước có chức năng sẽ đánh giá, Thủ tướng sẽ quyết định", ông Thuần khẳng định.

Thời điểm đó, Thư ký Ban điều hành đề án 112 Chính phủ Lương Cao Sơn, cho biết, chỉ riêng ngân sách trung ương, đề án 112 đã giải ngân được 680 tỷ đồng. 410 tỷ đồng trong số này được dùng mua sắm máy móc thiết bị, hạ tầng mạng, số còn lại là đào tạo và làm phần mềm dùng chung tại các địa phương.

Ông Sơn từ chối đánh giá về kết quả đề án này và cho rằng mấy trăm tỷ đồng được phê duyệt thực hiện không phải là nhiều.

Sau khi Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án này, Chính phủ giao Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là bộ Thông tin - Truyền thông) tiếp tục khai thác các kết quả của 112 để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của các cơ quan nhà nước.

Anh Thư<EM>&nbsp; ( Theo VnExpress)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm