Cơn ác mộng mang tên “200.000”

Ngày 9-8, trong vai một thợ hồ, chúng tôi năn nỉ xin được vào ở ké với một nhóm thợ làm bạc, cách chỗ của vợ chồng trùm chăn dắt trẻ ăn xin Phạm Ngọc Minh vài gian phòng trọ.

Đó là khu nhà ổ chuột 911/16 Tạ Quang Bửu, phường 5, nằm phía sau Bến xe khách quận 8. Con hẻm 911 nắng thì bụi mù, mưa lại lầy lội sình đất, đầy ẩm mốc và rác rưởi. Trước những căn phòng trọ mái tôn nóng hầm hập ấy là bịch nylon và vũng nước đọng đầy mùi hôi thối, tanh tưởi.

Cư dân xóm ổ chuột đều không nghề nghiệp ổn định. Họ sống bằng lượm ve chai, nhặt bao nylon, chạy xe ôm. Đàn ông ai cũng gầy còm, xăm trổ, trần trùng trục suốt ngày, hết nằm lại ngồi vật vạ từ đầu cho đến cuối con hẻm. Cùng dãy chúng tôi ở có một phòng bốn cô gái mặc áo hai dây cứ lượn lờ suốt ngày, mà mọi người gọi là loại “gà... rừng”.

Cho đến khi về trụ sở công an phường, bé Sáng mới biết chú Tùng thuê trọ gần nhà là phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM.
Cho đến khi về trụ sở công an phường, bé Sáng mới biết chú Tùng thuê trọ gần nhà là phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM.

Người lạ đến đây sống cũng vô tư, không cần một mảnh giấy, miễn sao có ai đó cho ở cùng. Trong cái “xu thế chung” ấy, phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đã dễ dàng được nhận ở ghép với giá 200 ngàn đồng/tháng cùng với hai bộ quần áo dính da.

Trùm Minh và những đứa trẻ

Phòng trọ số hai của trùm Minh nằm sát bên căn phòng của vợ chồng Hai ốm, một người thuê trọ bán cà phê cho cả khu nhà.

Theo xác minh của Công an Thanh Hóa, người này tên thật là Phạm Ngọc Minh ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), từng có đến hai tiền án và một tiền sự. Năm năm trước, trong một lần khai thác đá lậu, Minh bị một hòn đá rơi trúng ống đồng làm cong chân phải, dáng đi hơi khập khiễng nên gọi là Minh què.

Căn phòng rộng hơn chục mét vuông nhưng có 14 con người lớn nhỏ, gồm vợ chồng ông Minh, hai con gái, con rể và ba tay “anh chị” (chăn dắt), sáu đứa trẻ và một bà già. Phần dưới ngăn đôi, vợ chồng Minh ở phía ngoài, nửa trong là con gái, con rể và mấy người chăn dắt còn lại. Gác gỗ là nơi sinh hoạt duy nhất của đám trẻ và bà già. Bốn chiếc màn cũ kỹ, bẩn thỉu được giăng sẵn suốt ngày đêm.

Vợ chồng Minh quy định khi bước ra và trở về căn phòng này, mỗi đứa trẻ đều phải cầm trên tay dăm tờ vé số (đã dò để che mắt mọi người). Sống ở đây hơn một năm nhưng ông ta không cho đứa trẻ nào giao tiếp và nói tên mình với bên ngoài. “Đi xin ngoài đường, ai cho gì cũng không được ăn, chỉ lấy tiền, nếu không cứ nhừ đòn với ông” - một bé trai tên Ba kể.

Vì lý do trên mà cả xóm ổ chuột này không ai biết hết mặt và tên, tuổi của bọn trẻ. Họ chỉ biết chúng được vợ chồng Minh dắt từ quê Thanh Hóa vào, sống cùng và làm nghề bán vé số. Lúc có bọn trẻ ở nhà thì cửa phòng đóng kín mít. Cần mua nước đá hay gì đó, ông bà chủ cử một đứa trẻ ăn mặåc sạch sẽ đi ra, mua xong phải vào lại ngay. Để tránh sự dòm ngó của mọi người, buổi trưa bà Ngọc thường ra cửa phòng to giọng để hàng xóm nghe: “Sáng bán còn bao nhiêu vé nữa? Có bao nhiêu đó mà bán cũng không xong thì làm chi? Chiều nay bọn mi chia nhau mà đi bán cho hết đi nhé..!”.

Trước cửa phòng là chiếc xe gắn máy dựng sẵn. Sau bữa cơm tối, trùm Minh chở vợ đi “thị sát tình hình” ở các điểm xin ăn khoảng một tiếng rồi về phòng xem tivi cho đến lúc bọn trẻ về nhà giữa đêm khuya.

Chân dung một “trùm” mới

Nhưng hôm đó cứ khoảng 30 phút Minh lại đi tới và ngó vào phòng số 10 (cạnh phòng số 9 chúng tôi ở) một lần. Thì ra trong đó có một người đàn ông tên Đỗ Văn Xuyên và vợ tên Sắc, mới đến ở đây trước chúng tôi dăm ngày.

Xuyên trạc 50 tuổi ở xóm 5, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), là bạn một thời giang hồ với Minh khi làm thuê ở những bãi đá, bãi vàng. Qua lời giới thiệu và hướng dẫn của Minh, Xuyên đã dắt theo vợ, một đứa cháu 18 tuổi và bốn đứa trẻ vào đây thuê phòng để hành nghề chăn dắt. Tuy nhiên do không đúng như lới hứa là “vào TP.HCM bán vé số” nên những đứa trẻ đi theo đã đòi về. Chưa đủ kinh nghiệm đàn áp chúng nên buộc lòng Xuyên phải cho vợ dẫn chúng về. Vì thế dù phải bỏ ra 900 ngàn đồng thuê một phòng to nhưng hôm nay chỉ có hai bác cháu Xuyên ở. Xuyên chưa rành rẽ đường sá thành phố nên trùm Minh thường qua lại chỉ bảo và “tập huấn” bước làm ăn.

Sau màn chào hỏi và làm quen, chúng tôi biết được khoảng một tuần nữa Xuyên sẽ có “lính” và trở thành một trùm chăn dắt chuyên nghiệp như Minh. Ông ta nói:

- Lần này chắc chắn vợ tôi sẽ dắt khoảng dăm đứa khác vào làm. Mấy hôm nay bà ấy đang tìm người cho thuê nhà ở quê rồi cùng con thứ hai và mấy đứa trẻ vào đây “làm ăn” lâu dài luôn.

Đúng như lời Xuyên, hơn một tuần sau bà Sắc trở lại TP.HCM với ba đứa trẻ và một người đàn ông trung niên. Đúng trưa 21-8, đường dây này bắt đầu hoạt động với cách thức và địa bàn hệt như ông chủ Minh. Chỉ có thời gian là khác vì chủ Xuyên không bắt làm buổi sáng.

Bốn người chia làm ba nhóm, một nhóm gồm người đàn ông và một bé gái, xin theo kiểu con dắt cha mù thổi sáo. Ngồi bên này phòng, tôi còn nghe cả tiếng thử sáo của người đàn ông trung niên. Hai đứa trẻ còn lại nhìn xấu xí, khổ sở hơn được Xuyên chia thành nhóm khác. Trưa 21-8, vợ chồng Xuyên dắt bọn trẻ ra Bến xe quận 8, bắt xe buýt đến khu vực đường Ngô Quyền rồi thả họ xuống “giới thiệu” địa hình. Xong xuôi, họ bắt bọn trẻ xin tiền ngay, quá nửa đêm mới bắt xe ôm kèm về. Thêm một ngày khởi động hôm sau nữa, từ trưa 23, chủ Xuyên bắt ba nhóm này hoạt động độc lập và ra quy định bóc lột.

Chúng tôi đã trải qua nhiều đêm ở xóm 911 nóng hầm hập, đầy muỗi và đủ thứ mùi hôi thối xộc vào mũi. Đối diện là phòng trọ của một gia đình lượm ve chai có thói quen “tra tấn” hàng xóm rất kinh dị là mở nhạc sến từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm với duy nhất cái băng cát-sét. Gần một giờ sáng, trong hơi men và giọng lè nhè của kẻ nát rượu, gã đàn ông phòng bên vác cây đuổi đánh một anh bán bánh giò. Cả xóm 911 lại nhốn nháo, rồi bình phẩm, chửi mắng nhau đến gần sáng.

Bé Nhung: “Xin các cô chú cứu con!”
Bé Nhung: “Xin các cô chú cứu con!”

THANH MẬN - THANH TÙNG - THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm